Bệnh nặng lên do lạnh
Thời tiết giá lạnh khiến những bệnh như viêm da do cơ địa, vảy cá, á sừng và một số bệnh da có vảy khác tiến triển. Nguyên nhân của bệnh là do nhiệt độ, độ ẩm xuống thấp làm da mất nước, các chất bảo vệ, bã mồ hôi giảm đi, dẫn tới khô và nứt nẻ. Nhất là những người có cơ địa da khô thì thời tiết lạnh hoặc tiếp xúc với các chất tẩy rửa, xà phòng, dầu gội,... dễ bị kích ứng khiến cho bệnh tiến triển.
Bệnh vảy cá: Là bệnh có tính chất di truyền với biểu hiện lâm sàng là da khô, có vảy, nứt nẻ. Ở mức độ nhẹ, bệnh thường gặp ở hai chân, trên da có những vảy nhỏ trông như bột, dính chặt. Mức độ nặng hơn, ở mặt duỗi tứ chi và thân, nhất là lưng, xuất hiện những vảy đa giác, đường kính 0,5 - 1cm màu nâu, vàng nhẹ hoặc trắng đục, dính chặt, bờ hơi tróc khỏi mặt da, có thể kèm theo các biểu hiện của dị ứng như chàm, mề đay, suyễn.
Chàm khô (chàm tăng sừng, nứt nẻ): Bệnh tăng nhiều vào mùa lạnh, phản ứng đặc biệt với tiếp xúc xà phòng, các chất tẩy rửa. Tiếp xúc xà phòng, chất tẩy rửa có độ kiềm càng cao thì bệnh càng nặng. Biểu hiện đầu tiên là da khô, lòng bàn tay, bàn chân thô ráp, làm việc xong có biểu hiện như kim chích lòng bàn tay. Lâu ngày dẫn đến bong tróc da, nứt nẻ, rướm máu. Bệnh khiến nhiều người đi đứng khó khăn, vì mỗi lần vận động thì da nứt tét, chảy máu.
Mề đay do lạnh: Với mề đay lạnh, nguyên nhân là do tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, ngứa, sưng và phát ban trên da. Những người nổi mề đay lạnh nên tránh tiếp xúc với không khí lạnh cũng như nước lạnh càng nhiều càng tốt. Biểu hiện da hồng, phù nề, ngứa. Ở nhiều bệnh nhân, triệu chứng xuất hiện rất dễ dàng, ngay sau khi uống nước lạnh hoặc tắm nước lạnh. Bệnh thường xuất hiện ở vùng tì đè, kèm ngứa, nổi sẩn phù sau khi gãi. Mề đay là bệnh khá phổ biến, vì thế khiến nhiều người xem thường. Trong những ca nặng hoặc không điều trị kịp thời, bệnh còn gây ra phù thanh quản có thể tử vong.
Mề đay thường trở nặng do trời lạnh.
Cách khắc phục
Để hạn chế bệnh về da mùa lạnh kịch phát những người có cơ địa da khô thì không nên tiếp xúc với các chất tẩy rửa, xà phòng, dầu gội, phải biết chăm sóc da và dùng các chất giữ ẩm, nếu có điều kiện thì đến các địa chỉ chăm sóc da có uy tín để được chăm sóc. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, tập thể dục đều đặn.
Trước khi dùng mỹ phẩm hay các sản phẩm chăm sóc da, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn trước. Không nên tự ý mua các loại mỹ phẩm chăm sóc da vì nếu không phù hợp sẽ không có tác dụng, thậm chí còn bị dị ứng mỹ phẩm, phải điều trị lâu dài, tốn kém. Với trẻ em, nên dùng loại quần áo, bít tất bằng chất liệu cotton mềm thấm mồ hôi. Hàng ngày, trẻ phải được vệ sinh thân thể, ăn uống đủ chất. Khi dùng các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ phải được tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý mua dùng cho trẻ.
Khi bị khô da, nứt nẻ, viêm da tiếp xúc, người bệnh sẽ có cảm giác rất ngứa ngáy, khó chịu. Càng gãi, bệnh nhân càng khiến bề mặt viêm da lan rộng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên biến chứng nhiễm khuẩn thận do bội nhiễm. Vì vậy, khi bị viêm da tiếp xúc, tốt nhất là nên loại bỏ những vật dụng gây khởi bệnh như: quần áo nhuộm màu, chăn đệm bằng len, dép cao su, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em nhuộm màu, lông chó, mèo hoặc những côn trùng khác.
Hạn chế sinh hoạt trong môi trường có độ ẩm thấp, tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh bằng cách đi găng tay, bảo hộ lao động để tránh gây cho da bị khô, dễ bị kích thích, dễ bị tái phát những bệnh lý da dị ứng theo mùa.
Nên tắm bằng nước ấm, không tắm nước quá nóng, để giúp cơ thể cân bằng nhiệt độ cơ thể với môi trường bên ngoài, giúp tăng tuần hoàn máu cho da, thư giãn cơ và giảm stress. Về quần áo, tránh sử dụng áo quần may bằng những loại vải dễ gây kích ứng da như len, bố... Không nên mặc các loại quần áo quá chật nhằm tránh tình trạng cọ xát dễ gây kích thích tại chỗ.