Ngày nay, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CBS) không còn xa lạ với ngành y, nhưng còn nhiều điều ít biết về sự ra đời của kỹ thuật này. Người tiên phong tạo ra kỹ thuật nói trên là bác sĩ, tiến sĩ phẫu thuật người Argentina, Rene Favaloro, ông đã dành cả đời mình để tìm ra kỹ thuật nói trên và ứng dụng nó trong việc trị bệnh cứu người.
Một đời đam mê
Sự nghiệp của Rene Favaloro chính thức bước sang một giai đoạn mới khi ông gặp giáo sư Mainetti, người đã tiến cử ông vào làm việc tại Bệnh viện Cleveland Clinic, Florida, Mỹ. Mặc dù xuất thân là một bác sĩ “nông dân” với vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng Rene Favaloro vẫn không nản chí, vừa làm việc vừa học. Tại Bệnh viện Cleveland Clinic, ông được làm việc cùng nhiều giáo sư Donald B. Effler - Trưởng nhóm phẫu thuật tim, Mason Sones - Trưởng phòng Thí nghiệm và W. Proudfit - Trưởng Khoa tim mạch. Ban đầu, Rene Favaloro được phân làm công việc nghiên cứu, hỗ trợ điều trị van tim, tim bẩm sinh nhưng càng tham gia công việc, Favaloro càng thấy yêu nghề, đặc biệt là lĩnh vực phẫu thuật.
BS.TS. Rene Favaloro, tên đầy đủ Rene Geronimo Favoloro sinh ngày 14/7/1923 tại La Plata, Argentina trong gia đình thợ thủ công nhập cư từ Sicilia. Năm 1941, ông tốt nghiệp cử nhân, phục vụ trong quân đội Argentina trong Chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1946, ra quân với hàm Trung úy, học tiếp Đại học La Plata và nhận bằng bác sĩ năm 1949. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật tim bằng ca mổ đầu tiên năm 1967 cho một bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành. Sau nhiều năm hành nghề ở Mỹ, năm 1971, ông quay về Argentina thành lập Quỹ FF. Năm 1992, thành lập Viện Tim mạch và Phẫu thuật tim trực thuộc Quỹ FF và là thành viên của nhiều tổ chức phẫu thuật tiếng tăm trên thế giới. |
Ông đã bỏ hàng giờ nghiên cứu về phim chụp tim và động mạch cũng như mối liên quan của chúng với tim. Năm 1967, một trong những phát minh đầu tiên, ông đã nghiên cứu tìm ra việc sử dụng tĩnh mạch hiển (saphenous vein) trong phẫu thuật mạch vành và đưa ra ý tưởng thực hành kỹ thuật này vào tháng 5/1967. Đây là nguyên lý cơ bản của phẫu thuật bắc cầu hay đi vòng (by-pass) qua các đoạn động mạch vành tim bị tắc nghẽn để giúp máu đến tim được bình thường hay còn gọi là phẫu thuật tái tạo mạch xuyên cơ tim (myocardial revascularization surgery), một trong những phát minh đột phá và có tầm quan trọng trong lịch sử ngành phẫu thuật tim mạch thế giới.
Phát minh của Rene Favaloro chính thức được công bố năm 1970. Đây là kỹ thuật dùng các đoạn mạch máu để nối vòng hay “bắc cầu” các đoạn động mạch vành tim bị nghẽn tắc, giúp máu chảy qua mạch máu mới đến cơ tim được bình thường. Động mạch tim bị nghẽn do nhiều nguyên nhân như tuổi tác, cholesterol (mỡ máu) và các chất khác tích tụ trong thành của động mạch và khi những mảng tiểu cầu bong ra sẽ làm tắc máu dẫn tới chứng tức ngực gọi là chứng đau thắt ngực.
Sau nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ, năm 1971, Rene Favaloro hồi hương trở lại Argentina. Mục đích chuyến hồi hương của Favaloro là dùng chuyên môn của mình để phụng sự đất nước, mong muốn xây dựng một cơ sở chữa bệnh tương tự như Bệnh viện Cleveland Clinic ở Mỹ, trong đó, kết hợp giữa điều trị, nghiên cứu với đào tạo. Năm 1975, Rene Favaloro thành lập Quỹ y học Fundacion Foundation (FF), quỹ này đã đào tạo được trên 450 người có nghề y, kể cả khám chữa bệnh tại chỗ lẫn tư vấn về bệnh tim mạch. Năm 1992, Quỹ FF thành lập thêm Viện Tim mạch và Phẫu thuật tim (FCS) tại Beunos Aires, sử dụng các công nghệ tiên tiến cho việc điều trị bệnh tim. Ngoài phẫu thuật tim, Viện FCS còn đảm nhận nhiều dịch vụ y tế khác với chất lượng cao như phẫu thuật phổi, gan, thận, cấy ghép tủy xương và nhiều lĩnh vực khác.
Rene Favaloro đã đảm nhận rất nhiều ca phẫu thuật phức tạp và mang lại sự sống cho nhiều người. Ngoài việc phát minh ra kỹ thuật CBS, Favaloro còn là người đi đầu trong lĩnh vực phòng bệnh, đưa ra nhiều nguyên tắc quan trọng trong việc vệ sinh cá nhân. Theo Favaloro, đây là việc làm đơn giản nhưng lợi ích to lớn, làm giảm tỷ lệ tử vong.
Một ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. |
Và hệ lụy từ nợ nần
Năm 2000, Argentina chính thức lún sâu vào khủng hoảng kinh tế - chính trị, làm cho Quỹ FF bị vạ lây, đặc biệt là khoản nợ lên tới 75 triệu USD. Là người đứng đầu Quỹ FF, Rene Favaloro đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ Argentina giúp đỡ nhưng không nhận được hồi đáp. Tuyệt vọng, ngày 29/7/2000, Favaloro đã tự sát bằng súng, bắn vào chính tim mình. Hai tuần trước khi ra đi, trong cuộc họp với nhân viên, Favaloro đã cảnh báo tình trạng toàn cầu hóa kinh tế, cải cách thị trường tự do tuy có tốt hơn chế độ phong kiến nhưng lại là nguyên nhân đẩy thế giới tiến tới một xã hội người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo, một khi Chính phủ không có những quyết sách đúng đắn.
Sau khi Favaloro qua đời, người ta đã tìm thấy một bức thư ông viết gửi cho Tổng thống Argentina Fernando de la Rua, trong đó có đoạn nói về việc làm của ông cũng như của Quỹ FF, ông tha thiết đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn để FF thoát khỏi khó khăn trước nguy cơ bị phá sản. Cũng qua thư này cho thấy, Rene Favaloro đã quá mệt mỏi với nạn nhũng nhiễu của hệ thống y tế hiện hành, buộc ông phải đứng ra thành lập quỹ riêng để chữa bệnh, tự nhận mình là “Đông-ki-sốt”. Qua thư, người ta đã biết thêm Rene Favaloro đã có ý định tự tử nhiều lần nhưng không thành, đáng tiếc những thỉnh cầu của ông đã không được Chính phủ lắng nghe và giải quyết.
Khắc Hùng (Theo WP, 1/2012)