Rèn y đức, luyện tay nghề

30-09-2011 12:22 | Tin nóng y tế
google news

4 đội thi đến từ các khối ngoại, khối nội, khối các phòng ban và khối không giường bệnh đã đem đến Hội thi quy tắc ứng xử của Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên những tiếng cười sảng khoái.

4 đội thi đến từ các khối ngoại, khối nội, khối các phòng ban và khối không giường bệnh đã đem đến Hội thi quy tắc ứng xử của Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên những tiếng cười sảng khoái. Vui đấy, nhưng những vấn đề thời sự của xã hội hiện nay đã, đang tác động đến ngành y tế như hành hung thầy thuốc, nạn phong bì... đã được các tiểu phẩm tự biên với diễn xuất của các diễn viên không chuyên là những cán bộ y tế đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc với người xem.

Hội trường của Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên đêm thứ 7 vừa qua đã chật cứng. Người xem không chỉ là những cán bộ y tế trong viện hay người nhà của cán bộ y tế mà còn rất đông bệnh nhân và người nhà của họ cũng đến khán phòng. Xem để biết các thầy thuốc hàng ngày với những tai nghe đeo trước ngực nay biểu diễn trước ánh đèn sân khấu ra sao? 19 giờ mới chính thức khai mạc hội thi, nhưng hai mẹ con chị Nông Thị Lủ ở huyện Đại Từ đang điều trị tại khoa Nhi đã ăn cơm từ sớm để có mặt ở hội trường. Chị Lủ bảo: Nghe bác sĩ nói chuyện có hội thi ứng xử, em muốn biết các anh, các chị hàng ngày chữa bệnh cho con em thi thố ra sao? Chứ em cứ nghĩ, ứng xử có gì mà phải thi? Hàng ngày, các bác sĩ sáng nào cũng thăm khám cho con em, hỏi han, động viên mẹ con em yên tâm điều trị. Còn mấy cô y tá trông rất nhẹ nhàng, đến tiêm cho cháu tận giường bệnh lại còn đùa vui với cháu nữa chứ. Đó - cô Trang ở khoa Nhi kia kìa, theo tay chị Lủ chỉ, tôi thấy y tá Trang trong trang phục biểu diễn đang tập lại tiết mục với các bạn trong đội thi khối nội, cô ấy tốt với mẹ con tôi lắm!

4 đội thi đã đem đến hội thi những tiết mục chào hỏi, biểu diễn thanh lịch, tài năng và các tiểu phẩm đã đem đến những tiết mục nhiều màu sắc. Cho dù các tiết mục biểu diễn trong phần thi thanh lịch của các người mẫu không chuyên còn cứng, những tràng pháo tay rộn rã từ phía dưới khán giả cổ vũ nhiệt tình đã làm đêm thi thêm sôi động. PGS.TS. Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi tổ chức cuộc thi ứng xử này với mong muốn tạo ra sân chơi bổ ích cho toàn thể CBCC bệnh viện. Sau những giờ làm việc căng thẳng, hội thi thực sự thắt chặt tình đoàn kết trong cán bộ từ bác sĩ đến anh bảo vệ đều được tham gia. Và hơn hết, những tiết mục của anh em là một lần trau dồi kỹ năng ứng xử trước người bệnh. Chúng tôi quan niệm, hội thi là dịp rất tốt để cán bộ trong bệnh viện thêm một lần được rèn y đức và luyện tay nghề.

Có một tình huống kịch diễn ra: Chồng đưa vợ vào viện để sinh. Trong khi chờ đợi các bác sĩ thăm khám, người vợ liên tục giục chồng đưa phong bì cho bác sĩ. Trong khi anh chồng đang loay hoay không biết đưa phong bì cho ai thì có một bệnh nhân tâm thần không hiểu kiếm đâu ra được chiếc áo blouse trắng đi ngang qua chỗ 2 vợ chồng nọ, thấy vậy, người vợ giục chồng dúi phong bì ngay. Cô vợ còn mạnh miệng: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn! Anh chồng lập bập giữ tay bóng áo trắng này lại, vừa đút phong bì vào túi áo, miệng liến thoắng: Mong bác sĩ giúp đỡ cho vợ con em. Bệnh nhân giả bác sĩ này thấy có phong bì là vui vẻ đáp lại: Yên tâm, yên tâm có tiền là chúng tôi tận tình với vợ anh ngay! Cao trào của tiết mục khi những thầy thuốc thật đã phát hiện bệnh nhân tâm thần giả trang bác sĩ đang cầm phong bì của anh chồng nọ. Sau khi xin lỗi vì để bệnh nhân thoát ra ngoài, hình ảnh chiếc phong bì được người bệnh tâm thần kia ném trả lại cho anh chồng, làm hội trường như vỡ ra bởi tiếng cười của khán giả. Tiết mục khép lại với sự ân hận của đôi vợ chồng. Khi đó họ mới ngộ ra một điều: Không phải đồng tiền nào đi trước cũng là đồng tiền khôn!.

Còn rất nhiều tình huống ứng xử giữa người bệnh và cán bộ y tế mà hầu hết kịch bản dự thi được xây dựng trên thực tế phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, cho thấy văn hóa ứng xử, hay nói đúng hơn là đạo đức, nhân cách của những người thầy thuốc ở đâu đó vẫn còn gây bức xúc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận khách quan rằng tâm lý nhờ vả, xin cho của chính người nhà bệnh nhân là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng tiêu cực trong bệnh viện hiện nay.

ThS. Nguyễn Minh Phú nguyên là Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng ban giám khảo hội thi cho rằng, ý nghĩa từ hội thi chính là giáo dục cho tất cả nhân viên y tế tại bệnh viện biết ứng xử có văn hóa đối với người bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Tuy vậy, ở những góc khuất, chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” là điều khó tránh khỏi. Do vậy, lãnh đạo bệnh viện quyết tâm xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện với tất cả người bệnh và người nhà bệnh nhân một khi họ cần đến người thầy thuốc.

Bài và ảnh: Quang Hòa


Ý kiến của bạn