Việc dùng nhiều thuốc một lúc có thể gây ra những tương tác bất lợi giữa các thuốc dùng cùng như: Có thể làm giảm tác dụng của thuốc điều trị (giảm hiệu quả trị bệnh) hoặc tăng nồng độ thuốc (gây độc) hoặc làm tăng tác dụng phụ khó chịu.
Làm giảm hoặc mất hiệu lực của thuốc
Trường hợp này xảy ra khi dùng hai thuốc đối kháng nhau. Ví dụ, người bệnh đang uống thuốc chống trầm cảm như sertralin lại dùng thêm thuốc trị mất ngủ như triazolam.
Trầm cảm vốn là do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh trong synap; người bệnh ở trong trạng thái bị ức chế (không ham thích, không muốn làm việc, buồn chán.
Thuốc chống trầm cảm làm cho cơ thể phục hồi các chất dẫn truyền trong synap ngang với ngưỡng sinh lý, được coi là thuốc kích thích thần kinh trung ương (đến ngưỡng cần thiết). Thuốc ngủ triazolam lại ức chế hệ thần kinh trung ương. Dùng hai thuốc có tác dụng ngược nhau sẽ làm mất hiệu lực của nhau.
Hoặc trong trường hợp người bệnh bị tăng huyết áp (đây là bệnh phổ biến ở người cao tuổi), dùng các thuốc hạ áp như atenolol, nifedipin, lisinopril… nếu bị hen lại dùng thêm thuốc hen chứa ephedrin hoặc corticoid (tiêm, uống) kéo dài.
Ephedrin tăng cường hoạt động của thần kinh giao cảm làm cho tim đập mạnh, co mạch ngoại vi, gây tăng huyết áp; corticoid giữ muối nước, làm nước trong máu trong dịch gian bào tăng và tác động lên chuyển hóa glucid làm glucose - máu tăng… dẫn tới tăng huyết áp. Như vậy, các thuốc chữa hen sẽ làm mất hiệu lực của các thuốc chữa tăng huyết áp.
Làm tăng nồng độ thuốc gây độc
Tình trạng này hay xảy ra khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau có chứa paracetamol. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm (trong nước và nước ngoài) có chứa hoạt chất paracetamol. Khi dùng thuốc hạ sốt mang tên "A" không đỡ, đã vội đi mua thuốc hạ sốt mang tên "B"…
Trong khi cả hai thuốc "A' và "B" đều có chứa cùng một hoạt chất là paracetamol, đã dẫn đến việc dùng quá liều thuốc.
Quá liều paracetamol sẽ làm tổn thương gan, ngộ độc gan… nhất là ở người cao tuổi khi chức năng gan đã suy giảm, hoặc ở những người đang có vấn đề về gan thận thì ngộ độc gan càng trở nên trầm trọng.
Làm tăng tác dụng phụ
Ví dụ: Nếu người bệnh bị đau dạ dày, khó chịu, gây mất ngủ… dùng thuốc giảm tiết dịch vị cimetidin (trị bệnh đau dạ dày) lại dùng thuốc ngủ seduxen (trị mất ngủ).
Cimetidin vốn có tác dụng phụ gây lú lẫn, kích động, hoang tưởng; khi dùng thêm seduxen tác dụng phụ này sẽ tăng lên, gây buồn ngủ kéo dài, không chủ động được, người cao tuổi dễ bị té ngã.
Hoặc khi nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, thầy thuốc đã cho dùng amikacin với liều thích hợp sẽ ức chế được vi khuẩn.
Người bệnh sốt ruột dùng thêm cả gentamycin tiêm. Việc dùng thêm này không tăng thêm hiệu lực trị bệnh mà sẽ tăng độc tính với thính giác, gây điếc, vì cả amikacin, gentamycin đều có độc tính này.