Riêng rễ của cây qua lâu có rất nhiều tinh bột, có tác dụng sinh tân dịch, chỉ khát, nhuận táo, giảm đau chữa sốt nóng, đái tháo đường, miệng khô, khát nước, vàng da, lở ngứa... Dùng rễ qua lâu không quá già (đào lấy rễ của cây đực không có quả có nhiều bột hơn), cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt thành từng đoạn, ủ mềm, bào mỏng, phơi hay sấy khô dùng dần. Dược liệu có vị nhạt hơi đắng, tính hàn không mùi được dùng trong các trường hợp sau:
Chữa mụn nhọt: rễ qua lâu 8g; ý dĩ 10g, bạch chỉ 10g. Sắc hoặc tán bột mịn uống.
Chữa sạm da: rễ qua lâu 16g giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội lọc nước uống.
Chữa trẻ em sốt nóng, da vàng, miệng khô khát: rễ qua lâu 8g, đỗ trọng 8g, sắc với 200ml còn 50ml, có thể thêm đường cho dễ uống.
Chữa amidan mạn tính: rễ qua lâu, sơn thù, trạch tả, đơn bì, phục linh, tri mẫu, địa cốt bì mỗi vị 8g; sinh địa 16g; hoài sơn, huyền sâm, ngưu tất mỗi vị 12g; xạ can 6g; sắc uống ngày 1 thang.
Phụ nữ cho con bú ít sữa: rễ qua lâu đốt tồn tính, tán nhỏ ngày uống 16 - 20g.
Chữa tắc tia sữa: rễ qua lâu, sài hồ, đương quy, xuyên sơn giáp mỗi vị 8g; bạch thược 12g; thanh bì 6g, cát cánh 6g, thông thảo 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa thấp khớp mạn tính: rễ qua lâu, thổ phục linh, cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, đơn sâm, sinh địa, rau má, uy linh tiên, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt mỗi vị 12g; bạch chỉ 8g; cam thảo 4g. Sắc uống trong ngày.
Chữa tiểu đường: rễ qua lâu, sơn thù, sa nhân mỗi vị 8g; thục địa 20g, hoài sơn 20g; đơn bì, kỷ tử, thạch hộc mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Hoặc dùng bài: rễ qua lâu, đương quy, phục linh mỗi vị 16g; hoàng liên 30g. Tán bột hoàn viên. Ngày uống 12 - 16g, uống với nước sắc bạch mao căn.
Hoặc: rễ qua lâu 30g, sinh địa 30g; ngũ vị tử, mạch môn, cát căn mỗi vị 16g; cam thảo 8g. Tán bột mịn, trộn đều. Mỗi ngày 10g, thêm gạo tẻ 20g, sắc uống.
Chữa sốt rét: rễ qua lâu, sài hồ, quế chi, hoàng cầm mỗi vị 8g; mẫu lệ 12g; can khương 6g, cam thảo 6g. Sắc uống.