(Lê Thị Bảy - Tiền Giang)
Rau sam còn gọi là mã xỉ hiện, pourpier.
Tên khoa học Portulaca oleracea L.
Thuộc họ Rau sam Portulacaceae.
Người ta dùng toàn cây rau sam tươi hay phơi hoặc sấy khô (Herba Portulacae). Mã là con ngựa, xỉ là răng, hiện là một thứ rau, vì cây rau sam một thứ rau có lá giống hình con ngựa.
Mô tả cây
Rau sam là một loại cỏ sống hàng năm, có nhiều cành mẫm, nhẵn. Thân có màu đỏ nhạt, dài 10 - 30cm. Lá hình bầu dục dài, phía đáy lá hơi thót lại, không cuống, phiến lá dày, mặt bóng, dài 2cm, rộng 8 - 14mm. Những lá phía trên hợp thành một thứ tổng bao quanh các hoa. Hoa mọc ở đầu cành, màu vàng, không có cuống. Quả nang hình cầu, mở bằng 1 nắp. Trong có chứa nhiều hạt màu đen bóng.
Phân bố thu hái và chế biến
Rau sam mọc hoang ở khắp những nơi ẩm ướt của nước ta. Còn thấy mọc nhiều ở nhiều nước khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu. Tại nhiều nước châu Âu, nhất là ở Pháp, người ta trồng làm rau ăn, vị chua dễ chịu gọi là pourpier.
Hiện ở nước ta chưa ai đặt vấn đề trồng. Thu hái hoàn toàn dựa vào cây mọc hoang. Vào các tháng 5 - 7 (mùa hè và thu). Người ta hái cả cây, có khi cắt bỏ rễ rồi rửa sạch, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô, ở nước ta thường dùng tươi. Một số nơi dùng khô. Tại Trung Quốc, rau sam tươi hái về, lập tức nhúng nhanh vào nước sôi (có thể đồ) rồi lấy ra ngay, rửa nước cho sạch nhớt, rồi mới phơi hay sấy khô. Khi dùng hoàn toàn không chế biến gì khác.
Công dụng và liều dùng
Rau sam được dùng trong nhân dân nhiều vùng ở nước ta và nhiều nước khác làm rau ăn. Nhân dân châu Âu ăn rau này thay xà lách, ăn sống hoặc nấu chín.
Nhân dân Việt Nam và Trung Quốc dùng rau sam làm thuốc chữa lỵ trực trùng, giã nát đắp mụn nhọt, làm thuốc lợi tiểu tiện, tẩy giun kim.
Tính chất của rau sam theo tài liệu cổ: vị chua tính hàn (lạnh), không có độc, vào 3 kinh: tâm, can, và tỳ. Trị huyết lỵ (lỵ ra máu, tiểu tiện đục, khó khăn (lâm bệnh), trừ giun sán, dùng ngoài trị các thương đơn độc. Phàm những người tỳ vị hư nhàn, ỉa lỏng chớ nên dùng.
Liều dùng của rau sam 6 -12g khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Dùng riêng hay phối hợp với thuốc khác.