“Rau sạch” ở Hà Nội: Những góc khuất kinh hoàng

22-12-2016 20:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Rau sạch ư - cái gọi là sạch thì chỉ có bao bì, nhãn mác và mớ giấy tờ bát nháo đánh lận con đen mà thôi. Tôi không dám hồ đồ kết luận tất cả “rau sạch” trên thị trường đều là “rau bẩn”...

Rau sạch ư - cái gọi là sạch thì chỉ có bao bì, nhãn mác và mớ giấy tờ bát nháo đánh lận con đen mà thôi. Tôi không dám hồ đồ kết luận tất cả “rau sạch” trên thị trường đều là “rau bẩn”, song, với những gì mà chúng tôi điều tra được ở những vựa rau lớn của Hà Nội suốt mấy tháng ròng, thì lần nào nhìn thấy biển quảng cáo có chữ “rau sạch” chúng tôi cũng rùng mình.

Truy xuất đến... cái biển cắm nhờ

Còn nhớ, dư luận từng dậy sóng với những góc nhìn khác nhau trước ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh về thực phẩm sạch. Chị nói đại ý rằng, muốn ăn thực phẩm sạch thì phải chịu mua với giá đắt. Tôi không bàn đến chuyện đúng sai theo hướng dư luận đang tranh cãi. Ý kiến của chị Mỹ Linh chỉ khiến tôi nghĩ đến việc: Rất nhiều gia đình ở Hà Nội hiện nay đang phải mua “rau bẩn” với cái giá cắt cổ. Họ bị đám con buôn đội lốt doanh nghiệp bán cho “rau bẩn”, rau ở ngoài chợ, thậm chí là rau của Tàu.

Công ty kinh doanh “rau sạch” gắn biển ở ruộng của bà con

Công ty kinh doanh “rau sạch” gắn biển ở ruộng của bà con.

Năm ngoái, thị trường thực phẩm xuất hiện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh “rau sạch” với cam kết truy xuất sản phẩm đến tận ruộng. Trên mỗi bao bì sản phẩm của họ đều có tem nhãn ghi ký hiệu, từ ký hiệu ấy, người tiêu dùng có thể đăng nhập vào trang chủ của DN để tra tìm xem bó rau mà họ mua “đến” từ vùng sản xuất nào, của nông hộ nào làm ra. Nghe cam kết thế, lại tra đến được từng nông hộ sản xuất như thế, thì hẳn người tiêu dùng nào cũng an tâm. Chúng tôi, chắc cũng vẫn an tâm ăn “rau sạch” của họ một cách ngon lành, dẫu số tiền phải bỏ ra để mua bó rau, cây cải của họ chẳng hề rẻ chút nào, nếu không có một ngày chúng tôi tìm về tận vùng sản xuất của họ.

Vùng sản xuất rau an toàn thuộc địa bàn xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Dọc cánh đồng, từng tấm biển đỏ cắm, gắn khắp các ruộng đề chữ HHA1, HHA2... cùng với thương hiệu của DN. Từ những thông tin mà DN cung cấp, chúng tôi đinh ninh quy trình sản xuất là: DN về ký kết với bà con, bà con sản xuất theo quy trình và yêu cầu kỹ thuật của DN, DN giám sát việc sản xuất của bà con và kiểm nghiệm sản phẩm khi thu hoạch, trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng...

Bà Hòa Quỳnh đang thu hoạch rau thơm, tấm biển đỏ cắm giữa ruộng. Hỏi: “Rau này bà bán cho L.T (tên DN kinh doanh “rau sạch”) đấy à?”. Bà Quỳnh vừa thoăn thoắt bó rau vừa nói: “Không, tôi bán ngoài chợ”. Hỏi: “Hôm nay bà không bán cho L.T ạ?”. Bà Quỳnh: “Không, tôi chưa bán cho L.T bao giờ”. Hỏi: “Nhà bà có cắm biển L.T mà lại không bán rau cho L.T ạ?”. Bà Quỳnh: “À, họ mang biển ra rồi bảo cho cắm nhờ”. Chúng tôi giật mình, không hiểu có sự nhầm lẫn nào ở đây không? Rõ ràng, website của DN cũng như khi DN công bố trước báo giới khi đi vào hoạt động, họ “quảng cáo” hoạt động kinh doanh “rau sạch” của mình rằng không chỉ bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, họ còn lên kế hoạch sản xuất, giám sát việc sản xuất, kiểm định chất lượng bằng máy móc thiết bị, là đơn vị đầu tiên truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tận từng nông hộ...

Và rồi, càng gặp và hỏi han bà con, chúng tôi càng “phát hiện ra” việc “truy xuất đến tận ruộng” chỉ là hình thức. Bà Đoàn Thị Ty thường xuyên bán rau cho “rau sạch L.T”, bà không giấu giếm: “Nhà gieo cây giống thì họ cắm biển có mã ruộng, nhà tôi bán rau cho họ thì họ lại không cắm cái biển nào. Cũng không có hợp đồng nào, cứ có rau đến ngày thu hoạch thì bảo họ mai lấy rau cho tôi nhé. Thế là bán”. Gia đình ông Trần Văn Mỹ trồng 2 sào mồng tơi, thường xuyên cung cấp rau cho L.T, mỗi ngày lên đến cả tạ rau. Ruộng nhà ông không tập trung ở một cánh đồng mà chia nhỏ ở nhiều cánh đồng khác nhau, thế nhưng, tất cả những khoanh ruộng nhà ông chưa bao giờ được cắm cái biển nào, ông Mỹ cũng không biết cái mã ruộng nhà mình “mặt ngang mũi dọc” ra sao. Bà con ai nấy đều thẳng như ruột ngựa: “Họ chỉ mua rau thôi, còn ruộng rau thì họ không quan tâm. Từ ngày tôi bán rau cho L.T, chỉ một lần họ về kiểm tra việc mình... bó rau rồi xem rau ngon hay không ngon, và hướng dẫn buộc rau. Hết”.

Một trong số những thửa ruộng “được” công ty “rau sạch” “cắm nhờ cái biển”.

Một trong số những thửa ruộng “được” công ty “rau sạch” “cắm nhờ cái biển”.


“Mô hình rau Đạo Đức” nhiều như nấm sau mưa

Cũng năm trước, dư luận đã sôi sục trước thông tin xã viên của HTX rau an toàn Đạo Đức đi thu mua rau trôi nổi ở chợ đầu mối, thậm chí là rau củ Trung Quốc để đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn Hà Nội. Xã viên của HTX này (Nguyễn Đức Kiên) đã bị công an bắt quả tang và xử lý. Những tưởng thế đã là khủng khiếp lắm rồi. Vậy mà, trong suốt quá trình điều tra ở nhiều vùng sản xuất rau an toàn, thì ở vùng rau nào cũng có những đối tượng kiểu như Nguyễn Đức Kiên - họ là những “cai” chuyên đi thu mua rau ở chợ đầu mối, rau không rõ nguồn gốc, thậm chí là rau củ của Tàu về bán lại cho công ty “rau sạch” để “ăn” chênh lệch một vài giá đúng kiểu “con buôn”. Ông Đỗ Văn Hùng, một trong số các “cai” chuyên thu mua rau trôi nổi về bán cho công ty “rau sạch” tiết lộ: “Tôi bán cho họ rau răm, diếp cá, hành hoa, chuối xanh, khoai tây... Khoảng 12 giờ trưa họ báo số lượng về, lấy bao nhiêu rau, những loại nào, giá bao nhiêu. Họ báo xong thì tôi đi mua. Rau ngót, cải thảo, bí, bầu... đều là nhập từ nơi khác. Chỉ có khoai tây là nhà trồng, còn các loại rau tôi đều đi mua ở xã khác (không nằm trong vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn), vì xã này không chuyên canh các loại rau đó”.

Vựa rau Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, hễ nhắc đến các công ty kinh doanh rau sạch là ông Lê Văn Giang lại bức xúc: “Rau sạch” (bán) ở Hà Nội, họ lấy ở chợ đầu mối hết. Người ta mua của nhiều nhà, nhiều nơi rồi trộn lẫn với nhau để đưa vào cửa hàng. Tôi tận mắt chứng kiến nhiều người mua rau ở chợ đầu mối rồi lên bán cho cửa hàng rau sạch. Chỉ khổ người ăn, mua ở đây 5-7 nghìn đồng một cây súp lơ, vào cửa hàng rau sạch, người ăn phải bỏ 15-20 nghìn đồng để mua... Công ty LT., rồi Công ty LH. Họ có nhiều cửa hàng lắm, nhưng họ lấy rau ở đâu ấy, không thấy họ về Yên Mỹ mua bao giờ. Chúng tôi đều bán rau ở chợ đầu mối”.

Cứ nhắc đến việc hợp tác với DN “rau sạch” là bà con ai nấy đều... “sôi máu”. Họ cứ đến, làm giấy tờ với HTX rồi hứa hẹn với bà con đủ điều. Mấy năm liền hết công ty này, DN nọ về nói bà con trồng cây này, cây kia cho họ, hứa cho cả tiền giống, hỗ trợ tiền phân bón. Không hợp đồng, chỉ nói miệng, nhưng bà con nông dân chân chất, cứ nghĩ họ đã nói thế là ắt họ... sẽ làm. Nhưng rồi giống cũng chẳng cung cấp, cây bắp cải cuốn to, đẹp, nhưng lại không tiêu thụ cho bà con, bà con trồng nhiều quá, bán cũng không bán được. Phó Chủ nhiệm HTX Yên Mỹ - ông Nguyễn Văn Bình cũng có nhiều bức xúc: “Nhiều công ty “rau sạch” đến đây (HTX) làm thủ tục xong rồi thôi. Nhiều công ty lắm, rất nhiều, tôi không nhớ hết được, chỉ riêng cái trục đường vành đai 3 đã có đến 3 công ty rồi. Nhiều khi chúng tôi cấp thủ tục cho các công ty xong là họ bỏ. Hoặc làm thủ tục, đóng dấu cho họ xong, họ lấy rau được một hai hôm rồi đi mất. Tất cả các công ty đều thế thôi, “đầu voi đuôi chuột”. Giờ cũng lắm công ty liên tục đến (HTX), hễ giới thiệu là người của công ty kinh doanh RAT là tôi đã... muốn đuổi rồi”.

Có lẽ, chỉ cần sự việc của bà Khuất Thị Tỵ, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội là đã quá đủ để “hiện hình bản chất” của không ít các đơn vị kinh doanh “rau sạch” trên thị trường hiện nay: Có một DN về đặt vấn đề tiêu thụ rau với bà Tỵ. Bà không nhớ tên DN, chỉ nhớ địa chỉ ở huyện Hoài Đức. Họ về mua rau của bà Tỵ chỉ một lần và thuyết phục bà rằng: “Con còn mua nhiều rau của cô, cô cho con mượn cái CMND để con làm logo dán tên cô vào”. Họ nói để họ dán logo giúp bà luôn nên bà không để ý. Ngày hôm sau bà không có rau bán mà chỉ đến lấy tiền, bấy giờ bà mới xem cái logo đề “ruộng của Khuất Thị Tỵ”, “họ ghi rõ như thế, hôm đó tôi không bán rau, họ lấy rau của mấy nhà, mà rau của nhà nào họ cũng dán logo: Rau của Khuất Thị Tỵ”. Họ thu mua rau ở Yên Mỹ được vài ngày rồi bỏ đi biệt tích, không biết là họ đi thu mua rau ở vùng nào, chợ nào, chỉ biết ở vùng rau an toàn có tiếng này còn lại mình bà Tỵ với nỗi hoang mang cho đến tận bây giờ.


Bài và ảnh: Minh Quang
Ý kiến của bạn