Rau "sạch" có thực sự sạch?

27-02-2017 10:24 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS -Hiện nay, trong tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được đảm bảo, vấn đề làm sao mua được rau sạch cho bữa ăn của gia đình đang là nỗi lo của không ít các bà nội trợ.

Rau nhiều vết sâu cắn có phải rau sạch?

Nhiều người khi đi mua rau cứ cố gắng mua cho được những mớ rau mà lá nham nhở vết sâu cắn với quan điểm: Lá sâu ăn thế này chắc không bị phun thuốc. Thực tế, đây chính là rau đã bị phun thuốc. Các dấu vết của sâu chính là minh chứng rõ nhất cho việc người trồng rau đã dùng thuốc trừ sâu, bởi nếu không dùng thuốc trừ sâu, thì sâu đã ăn trụi lá rồi, chứ không phải chỉ là vài vết cắn lỗ chỗ.


Phun thuốc bảo vệ thực vật ở nồng độ cao cũng có thể làm cho lá rau ngót bị xoăn

Một số người bán rau đánh vào tâm lý người tiêu dùng muốn ăn rau sạch, nên đôi lúc họ còn bắt sâu bỏ vào rau hoặc bán các loại rau có vài lá bị sâu. Ít ai ngờ rằng loại rau sâu ấy thực ra không phải sạch, mà là sâu đã lờn thuốc nên không thể cứu vãn được rau. Nguy hiểm hơn nữa là rau sam đất và dền cơm, trước đây, hai loại rau này thường mọc tự nhiên ngoài đồng và khá bổ dưỡng, hiện nay hai loại rau này mọc khá nhiều giữa các luống rau. Người ta thường nhặt nhạnh dền cơm và sam đất để bán vì ai cũng tin nó sạch, nhưng thực tế nó lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hóa chất được phun ngoài đồng.

Phân biệt rau “sạch” và rau “bẩn”

Khi đi mua rau nên quan sát đoạn thân, cành giữa 2 đốt lá mà dài quá chứng tỏ là có thuốc tăng trưởng. Nếu lá rau bình thường, lá rau không dài quá, không to quá, không bị rám lá, không có vết tích của sâu, thân rau mềm và phải có mùi thơm đặc trưng của loại rau đó thì mới đúng là rau ngon.

Rửa rau sạch đúng cách

Ngâm rửa rau trong nước muối để loại bỏ tồn dư của hóa chất

Việc rửa rau sao cho sạch cũng là vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Khi sử dụng, bước đầu tiên là sơ chế rau, sau đó để ra rổ có lỗ thủng xối thật mạnh dưới vòi nước cho hết trứng giun, đất, rệp. Nếu không muốn rau không bị nát thì khi rửa có thể cho rau vào rổ và nhúng vào chậu nước chảy, nâng lên nâng xuống nhiều lần cho sạch đất bẩn, trứng giun và cũng là cách để làm loãng, tan bớt tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nếu có. Sau đó mới rửa sạch từng nhúm rau dưới vòi nước chảy, rửa nhiều lần, nhưng phải hết sức nhẹ nhàng, tránh cho rau bị dập nát sẽ mất vitamin. Sau khi rửa sạch thì ngâm 3 - 5 phút trong nước muối hòa theo tỷ lệ nửa kg muối với 200 lít nước (nước ấm 400 thì càng tốt). Hoặc có thể pha sẵn nước muối bão hòa để khi ngâm rau thì pha với nước ấm, tỷ lệ 1 - 3 hoặc 1 - 5 tùy loại rau để ngâm trong khoảng 3 - 5 phút.

Việc thường xuyên sử dụng rau không an toàn sẽ gây nhiễm độc cho cơ thể, đặc biệt là lá gan. Vì vậy, chúng ta nên cân nhắc lựa chọn những loại rau an toàn, đồng thời sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp giải độc và tăng cường chức năng gan.


Ý kiến của bạn