1. Thành phần dinh dưỡng của rau ngót
Rau ngót còn có tên gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần.
Tên khoa học Sauropus androgynus (L) Merr. Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.
Cây rau ngót cây nhỏ, nhẵn, có thể cao tới 1,5 – 2m. Có nhiều cành mọc thẳng. Vì người ta hái lá luôn cho nên cây thường chỉ thấp 0,9 – 1m. Vỏ thân cây màu xanh lục, sau màu nâu nhạt. Lá mọc so le, dài 4 – 6cm, rộng 15 – 30mm, cuống rất ngắn 1 – 2mm có hai lá kèm nhỏ, phiến lá nguyên hình trứng dài hoặc bầu dục, mép nguyên. Hoa đực mọc ở kẽ lá thành xim đơn ở phía dưới, hoa cái ở trên. Quả nang hình cầu, hạt có vân nhỏ.
Cây rau ngót mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá nấu canh. Khi làm thuốc người ta thường chọn những cây rau ngót đã sống 2 năm trở lên. Hái lá tươi về dùng ngay.
Thành phần dinh dưỡng: Trong rau ngót có 5,3% protid, 3,4% glucid, 2,4% tro, trong đó chủ yếu là canxi (169mg%), photpho (64,5mg%), vitamin C (185mg%). Rau ngót có nhiều acid amin cần thiết: Trong 100g rau ngót có 0,16g lysine, 0,13g metionin, 0,05g tryptophan, 0,25g phenylalanine, 0,34g treonin, 0,17g valin, 0,24g leuxin và 0,17g izoleuxin.
2. Công dụng của rau ngót
Theo Đông y, rau ngót có tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ huyết, nhuận tràng...
Thành phần dinh dưỡng của rau ngót chứa lượng đạm thực vật cao nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật.
Lá rau ngót tính mát lạnh, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rễ vị hơi đắng. Cả lá và rễ cây rau ngót đều có tác dụng với sức khỏe.
Người Việt thường dùng rau ngót để nấu canh với thịt lợn, hến, cua, tôm… vừa bổ dưỡng, thơm ngon, thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe.
3. Bài thuốc từ rau ngót
Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh còn là một vị thuốc nhân dân dùng chữa sót nhau và chữa tưa lưỡi. Cách dùng như sau:
Chữa sót nhau: Hái độ 40g lá rau ngót. Rửa sạch, giã nát.
Thêm ít nước đã đun sôi để nguội vào. Vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm 2 lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút. Sau chừng 15 – 20 phút nhau sẽ ra.
Có người dùng đơn thuốc này chữa chậm kinh có kết quả (Đỗ Tất Lợi).
Chữa tưa lưỡi: Giã lá rau ngót tươi độ 5 – 10g. Vắt lấy nước. Thấm vào bông đánh lên lưỡi, lợi và vòm miệng trẻ em, chỉ hai ngày sau là trẻ có thể bú sữa mẹ được.
Với phụ nữ mang thai cần lưu ý, rau ngót có chứa một lượng papaverin - là chất gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, có thể khiến chị em bị sảy thai. Do vậy, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn rau ngót để tránh những trường hợp không mong muốn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?