Sau hơn 1 tháng cật lực trên sàn diễn với ông thầy người Đức – đạo diễn Dominik Guenther – vở diễn Vòng phấn Kavkaz của kịch tác gia và thi sĩ Đức Bertolt Brecht đã ra mắt khán giả từ tối 17/9/2014 tại sân khấu (SK) Nhà hát Tuổi trẻ. Nhìn lại thành quả, NSƯT Chí Trung thốt lên: Với đạo diễn nước ngoài, giao mớ rau muống cho họ thì có thể biến thành bó hoa. Còn với mình, đưa rau muống thì chỉ có thể chế thành rau muống luộc hoặc xào mà thôi!
Đó cũng chính là khao khát, là ước mơ của diễn viên và của cả khán giả Việt Nam muốn được tiếp xúc với một nền SK hiện đại. Và con đường ngắn nhất là giao lưu văn hóa với các nước có nhiều tác phẩm SK kinh điển nổi tiếng. Điều đó đã thôi thúc lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Viện Goethe chọn dựng một tác phẩm của SK Đức trên SK Việt Nam.
Cảnh trong vở “Vòng phấn Kavkaz”.
20 năm trước, vở Người tốt ở Tứ Xuyên của B.Brecht đã được đạo diễn, NSND Đình Quang dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ và vở Vòng phấn Kavkaz cũng đã lên SK Nhà hát Chèo Việt Nam bởi một đạo diễn người Đức. B.Brecht trở lại SK Việt Nam lần này được coi như một sự kiện văn hóa, các tác phẩm kinh điển của ông hiện vẫn đang được diễn ở nhiều nhà hát trên thế giới. Với những người làm SK Việt Nam, lâu nay, dường như mới chỉ được nghe đến chứ chưa được diện kiến nhiều với phong cách SK tự sự biện chứng của ông. Trên SK đương đại Việt Nam, vở Vòng phấn Kavkaz qua bàn tay đạo diễn Dominik thì đây là lần đầu tiên một vở kịch nói được dựng theo đúng phong cách B.Brecht, có thể nói là hoàn toàn khác so với các tác phẩm SK Việt Nam lâu nay.
Chuyện trong Vòng phấn Kavkaz là câu chuyện về tình người thời loạn lạc đầy tính nhân văn. Chiến tranh xảy ra, trong tình thế hỗn loạn, bà Tổng trấn vì ham thu dọn tiền bạc và quần áo để đi trốn đã bỏ lại đứa con cho cô hầu. Cô hầu phải đi trốn cùng đứa bé và nuôi nó trong vô vàn khó khăn và nguy hiểm. Chiến tranh kết thúc, bà Tổng trấn quay lại đòi đứa con vì nó được thừa kế một gia tài lớn. Nhưng đứa trẻ đã nhận ra tình cảm yêu thương của người đã nuôi dưỡng mình. Câu chuyện gợi mở tính thời sự, không chỉ ở thế kỷ trước mà nó đang còn là vấn đề thời sự ở rất nhiều nước hiện nay, nhất là ở những nước có chiến sự, đó là trong hoàn cảnh khó khăn, con người ta phải bộc lộ bản tính của mình. Thông điệp của vở diễn, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái là: Sự thật sẽ thuộc về người nào làm cho nó tốt hơn. Điều này hoàn toàn đúng và thông điệp này là chung của cả thế giới.
Lạ, hay, hấp dẫn - đó là cảm giác chung của khán giả sau khi xem Vòng phấn Kavkaz của đạo diễn Dominik, trợ lý đạo diễn: NSND Lê Khanh với sự tham gia của NSND Lê Khanh, nghệ sĩ Nguyệt Hằng, Quỳnh Dương, Hoa Thúy, Thu Quỳnh, Tùng Anh, Chí Huy... Không thay phông chuyển cảnh, toàn bộ câu chuyện kịch chỉ có một bối cảnh, có chăng là diễn viên chỉ thay đổi vị trí của vài cái bục bệ. Họa sĩ Doãn Bằng bảo, trang trí này không có bóng dáng của không gian và thời gian thực mà chỉ là cái cảm về không gian và thời gian. Thế nhưng mọi thành tố trong trang trí này lại có tiếng nói thông qua sự chỉ đạo của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên chứ không phải chỉ là những vật trang trí thuần túy. Có lẽ vì vậy mà trang phục của diễn viên cũng không cụ thể là của thời kỳ nào, văn hóa nào, nó chỉ gợi mở cho khán giả thấy tính cách nhân vật và tô điểm thêm cho cá tính nhân vật. Kết nối toàn bộ mạch chuyện trong vở diễn là một diễn viên không hóa trang, trang phục đời thường, khi là người dẫn chuyện, khi là nhân vật trong kịch, khi là nghệ sĩ biểu diễn trên nền nhạc pop như một sợi dây nối kết tác phẩm, diễn viên và công chúng. Cách diễn này đã lôi khán giả vào câu chuyện kịch, khiến họ không thể ngồi xem thụ động mà phải suy nghĩ cùng hành động của diễn viên.
Bằng những thể nghiệm mới mẻ trong việc sử dụng âm nhạc, trang phục, lối diễn tăng tính tương tác với người xem của phong cách kịch tự sự B.Brecht, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã có một sự trải nghiệm thú vị và bổ ích. Chắc chắn sau vở diễn này, mỗi người sẽ có sự thay đổi trong thói quen biểu diễn, thói quen tư duy với nhân vật một cách thông thường như lâu nay.
Lan Hương