Muống biển còn có tên là rau muống biển, mã an đằng, nhị diệp hồng thự,... Tên khoa học là Ipomoea pescarpae (L.) thuộc họ khoai lang - Convolvulaceae.Là cây sống nhiều năm, nhìn thoáng qua tựa như cây rau muống. Cây mọc bò lan trên mặt đất, lan đến đâu rễ mọc đến đấy, thân như thân rau muống nhưng không rỗng mà đặc và phân rất nhiều nhánh. Lá mọc so le, hình móng ngựa, lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Lá và dây đều có nhựa; khi ngắt có nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang. Những nơi có muống biển mọc dân gian thường dùng lá làm thức ăn cho trâu bò, dê, ngựa. Tại các khu nghỉ mát, nếu chú ý sẽ thấy những đám cây muống biển mọc hoang khắp trên các bãi cát dọc theo bờ biển. Loài cây này có tác dụng giữ cho cát khỏi bị trôi đi và giữ cho bờ biển đỡ bị sạt lở.
Muống biển còn là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Theo Đông y, muống biển có vị cay, đắng, tính hơi lạnh; vào 2 kinh can và tỳ; Có tác dụng trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết. Dùng chữa phong thấp đau nhức, mụn nhọt sưng đau, trĩ lậu,...
Liều dùng: Uống trong dùng 30-60g tươi (hoặc 10-20g khô), sắc lấy nước uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp hoặc thiêu tồn tính, nghiền mịn bôi.
Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai.
Dân gian một số nơi ở nước ta có kinh nghiệm dùng muống biển để làm thuốc uống chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay nhức mỏi, thông tiểu tiện, chữa thủy thũng, đau bụng... Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ và cũng dùng trị rắn cắn. Tại Ấn Độ, lá được dùng đắp ngoài trị tê thấp và đau bụng, dịch lá dùng trị bệnh phù; ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây chữa phong thấp đau nhức khớp xương, đau ngang thắt lưng, mụn nhọt và viêm mủ da, trĩ xuất huyết.
Đặc biệt, muống biển có thể coi là một “thần dược” chữa ngứa toàn thân do dị ứng sứa, nhất là bị dị ứng sứa lửa. Nhiều người đã áp dụng phương pháp này, kết quả rất tốt. Vào những ngày hè, những người thích tắm biển mà lại có cơ địa dị ứng sứa có thể áp dụng thử phương pháp như sau:
Hái một nắm muống biển tươi (cây mọc ngay trên các bãi cát ở bờ biển) giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt; cũng có thể chế thêm chút nước, trộn đều, rồi vắt lấy nước cốt. Sau khi đã tắm lại bằng nước ngọt, lấy nước cốt muống biển bôi lên khắp người. Chỉ một lát sau là hết ngứa.
Ngoài chữa dị ứng sứa còn có thể sử dụng cây muống biển để chữa một số chứng bệnh thường gặp khác:
Chữa phong thấp, khớp xương đau nhức: Dùng muống biển 45g, sắc với nước và rượu (nửa nước nửa rượu), chia 2-4 lần uống trong ngày. Hoặc dùng muống biển 30g, cỏ xước 15g, sắc nước uống.
Trĩ xuất huyết: Dùng muống biển tươi 30g, hầm với 300 - 500g lòng lợn, chia 2 lần ăn trong ngày; liên tục 10 ngày (một liệu trình), nếu chưa khỏi nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục một liệu trình khác.
Chữa ung nhọt, viêm mủ da: Dùng muống biển 30-60g, sắc và thêm đường đỏ uống. Bên ngoài dùng cây tươi giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.
Chàm (eczema): Dùng rễ muống biển 30g, sắc nước uống. Mặt khác, dùng lá muống biển tươi, sắc lấy nước rửa.
Bối ung (nhọt độc mọc ở lưng): Dùng lá muống biển tươi, lượng thích hợp, giã nát đắp.