Để làm thuốc dùng toàn cây rau mùi (tươi hay phơi khô), thu hái quanh năm. Theo Y học cổ truyền rau mùi tàu có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiệm tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau.
Những bài thuốc thường dùng:
Bài 1: Chữa hôi miệng: Lấy 1 nắm rau mùi tàu, rửa sạch, sắc đặc, cho thêm vài hạt muối, khuấy tan, dùng để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày. Sau khoảng 5-6 ngày, miệng sẽ bớt mùi hôi.
Bài 2: Chữa đầy hơi, không tiêu do ăn nhiều đạm: Rau mùi 50g, thái dài khoảng 3 - 4cm; gừng tươi 1 lát đập dập. Tất cả rửa sạch sắc với 400ml nước, đến khi còn 200ml chia làm 2 lần, uống nóng, mỗi lần dùng cách nhau 3 tiếng. Dùng liền 3 ngày.
Bài 3: Chữa cảm cúm: Rau mùi 40g, gừng tươi 10g, ngải cứu và cúc tần mỗi thứ 20g. Rửa sạch, thái nhỏ, gừng đập dập. Tất cả cho vào nồi sắc với 400ml nước, đến khi còn 100ml thì đổ ra, uống nóng, mỗi ngày 2 lần. Sau khi uống, nằm trong chăn ấm để cho ra mồ hôi, rồi lau khô người sẽ thấy dễ chịu hơn.
Bài 4: Chữa cảm mạo: Mùi tàu khô 10g , cam thảo đất 6g. Rửa sạch đổ vào nồi với 300ml nước, đun sôi trong khoảng 15 phút, rồi chia làm 3 lần, uống trong ngày.
Bài 5: Chữa đái dầm ở trẻ nhỏ: Lấy mùi tàu, rau ngổ, cỏ mần trầu, mỗi thứ 20g, cùng với 10g cỏ sữa lá nhỏ, thái nhỏ, phơi khô. Cho tất cả vào nồi đổ 500ml nước sắc còn 150ml, uống sau bữa ăn tối. Dùng khoảng 5-10 ngày. Có thể nhắc lại liệu trình mới.
Những bài thuốc trên đã được kiểm chứng trong điều trị, xong do cơ địa của mỗi người khác nhau, đặc biệt đối với trường hợp mắc các bệnh mạn tính sẽ không đáp ứng trong điều trị. Do vậy cần đến cơ sở y tế để được bắt mạch kê đơn.
Lương y Phó Hữu Đức