Theo các nghiên cứu, rau má có chứa các hợp chất như saponin triterpenoid , những hợp chất này mang lại những lợi ích sức khoẻ.
1. Thành phần dinh dưỡng của rau má
Trong 100g rau má có chứa:
- Calo: 23,0 kcal
- Carbs: 1,7g
- Protein: 2,0g
- Chất béo 2,0g
- Chất xơ: 0,7 g
- Các chất dinh dưỡng như: Beta caroten, canxi, sắt, magie, mangan, phospho, kali, kẽm và các loại vitamin trong rau má sẽ thay đổi hàm lượng phụ thuộc theo khu vực trồng trọt và mùa thu hoạch.
2. Một số lợi ích sức khỏe của rau má
Giúp tăng cường chức năng nhận thức
Một nghiên cứu năm 2016 đã so sánh tác dụng của chiết xuất rau má và acid folic trong việc tăng cường chức năng nhận thức sau đột quỵ. Nghiên cứu này đã đánh giá tác động đối với ba nhóm người tham gia dùng rau má mỗi ngày, một nhóm dùng 1.000mg rau má, một nhóm dùng 750mg rau má và một nhóm dùng 3mg acid folic mỗi ngày.
Mặc dù rau má và acid folic đều có lợi như nhau trong việc cải thiện nhận thức tổng thể, nhưng rau má lại hiệu quả hơn trong việc cải thiện vùng trí nhớ.
Hỗ trợ điều trị chứng giãn tĩnh mạch
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, một số nghiên cứu cho rằng rau má có thể giúp điều trị chứng giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch.
Một nghiên cứu năm 2001 đã phát hiện ra rằng những người tham gia nhận được 60mg phần triterpenic của rau má 2 lần mỗi ngày trong 8 tuần đã có những cải thiện về sức khỏe tĩnh mạch. Những người tham gia đều có các tình trạng liên quan đến tĩnh mạch đáng kể, chẳng hạn như tăng huyết áp tĩnh mạch nghiêm trọng và sưng mắt cá chân.
Nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất rau má giúp cải thiện chức năng của tĩnh mạch trong bệnh đái tháo đường. Vấn đề sức khỏe này ảnh hưởng đến những người mắc bệnh đái tháo đường và liên quan đến việc có các mạch máu nhỏ bất thường ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể.
Giúp giảm stress
Rau má có chứa thành phần saponin triterpenoid có tác dụng giúp tăng cường chức năng thần kinh và giảm lo âu. Một nghiên cứu được đăng ở tạp chí Bệnh học tâm thần lâm sàng vào năm 2000 cho thấy người bệnh sau khi sử dụng dao động từ 30 đến 60 phút sẽ ít bị giật mình bởi tiếng ồn hơn.
Từ đó có thể cho thấy tiêu thụ rau má góp phần giảm lo âu. Tuy nhiên, rau má không có tác dụng như thuốc điều trị. Vì thế, chỉ nên dùng loại rau này như một loại thực phẩm để hỗ trợ điều trị triệu chứng lo âu.
Cách sử dụng: Uống nước rau má hai lần một ngày trong tối đa 14 ngày một lần.
Có thể giúp giảm cân
Rau má chứa rất ít calo, trong 100 gram rau má chỉ chứa khoảng 20 calo nên rất thích hợp làm các món ăn, đồ uống giảm cân. Trong rau má chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin B có khả năng ức chế thèm ăn, tạo cảm giác no lâu. Đồng thời, carbohydrate trong rau má còn có thể chuyển hóa chất béo thành năng lượng, hỗ trợ giải độc gan rất tốt.
Ngoài ra, các thành phần chất xơ dồi dào cùng nhiều loại vitamin tổng hợp trong rau má giúp ức chế các cơn thèm ăn, từ đó hạn chế tăng cân và tích tụ chất béo.
Có thể giúp giảm chứng mất ngủ
Với khả năng hỗ trợ giảm các triệu chứng lo âu, căng thẳng và trầm cảm, rau má cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ đôi khi đi kèm với những tình trạng này. Một số người coi phương thuốc thảo dược này là một giải pháp thay thế an toàn cho các loại thuốc kê đơn dùng để điều trị chứng mất ngủ và các chứng rối loạn giấc ngủ khác.
Mặc dù nghiên cứu cũ hơn cho thấy rau má có thể giúp điều trị chứng rối loạn giấc ngủ nhưng vẫn cần có những nghiên cứu bổ sung để xác nhận những phát hiện này.
Cách sử dụng: Nên ăn rau má 3 lần mỗi ngày trong một đợt tối đa 14 ngày.
Terpenoid trong rau má giúp giảm sự xuất hiện của vết rạn da
Theo đánh giá năm 2013, rau má có thể làm giảm sự xuất hiện của vết rạn da. Các nhà nghiên cứu cho rằng terpenoid có trong rau má làm tăng sản xuất collagen trong cơ thể. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các vết rạn da mới hình thành, cũng như giúp giảm vết rạn da hiện có.
Tác dụng chống oxy hóa giúp giảm đau khớp
Các đặc tính chống viêm của rau má có thể hữu ích trong điều trị viêm khớp. Một nghiên cứu năm 2014 về bệnh viêm khớp do collagen ở chuột cho thấy uống rau má làm giảm viêm khớp, xói mòn sụn và xói mòn xương. Tác dụng chống oxy hóa của nó cũng có tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch.
3. Tác dụng phụ và rủi ro tiềm ẩn
Rau má thường được dung nạp tốt nhưng bên cạnh những lợi ích sức khỏe, rau má cũng có những tác dụng phụ mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng cũng cần lưu ý.
Tác dụng phụ có thể xảy ra nếu ăn hoặc uống nước rau má quá nhiều. Theo khuyến cáo của Học viện Y tế Hoa Kỳ, mỗi ngày chỉ nên ăn 30g đến 40g rau má tươi, tương đương với 1 cốc nước rau má (200ml) và chỉ nên dùng không quá 1 tháng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc lạm dụng quá nhiều rau má có thể gây hại cho gan, thận và các tế bào máu. Do đó chỉ nên dùng với lượng vừa phải.
Tiêu thụ rau má tùy thuộc vào từng cá nhân, tuổi, tình trạng sức khỏe… Các tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm:
- Chóng mặt
- Buồn ngủ quá mức
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Đau dạ dày
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng là tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra. Nếu đang bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với rau má, các triệu chứng như khó thở, ngứa và phát ban.
- Một tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể bao gồm các vấn đề về gan. Nếu gặp vấn đề về gan, các triệu chứng có thể gặp như nước tiểu sẫm màu, vàng mắt.
Do đó khi sử dụng rau má nên bắt đầu với liều thấp và tăng dần đến liều đầy đủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ.
4. Ai không nên sử dụng nhiều rau má?
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Theo lương y Trần Đăng Tài, phụ nữ đang trong thời kỳ sinh nở và phụ nữ có thai không nên dùng nhiều rau má. Do đó, phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn ăn hoặc uống nước rau má.
Bệnh đái tháo đường: Rau má có thể làm giảm mức đường huyết, nếu người bệnh đái tháo đường đang dùng các loại thuốc điều trị, chẳng hạn như insulin (ví dụ: Humalog hoặc metformin) cần hỏi ý kiến bác sĩ. Các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp có thể bao gồm đổ mồ hôi, run rẩy và mệt mỏi quá mức.
Cholesterol cao: Rau má có thể thay đổi mức cholesterol nên nếu đang dùng thuốc điều trị cholesterol cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Các vấn đề về gan: Nếu đang có bệnh về gan không nên sử dụng rau má. Các vấn đề về gan có thể dễ xảy ra khi kết hợp rau má và các loại thuốc khác có tác dụng phụ tương tự.
Đang dùng thuốc lợi tiểu: Rau má có thể giúp loại bỏ lượng nước dư thừa qua nước tiểu. Nhưng việc kết hợp rau má với thuốc lợi tiểu như Lasix (furosemide) có thể dẫn đến mất nước quá nhiều. Điều này cũng dẫn đến mức độ bất thường của các chất điện giải khác nhau trong cơ thể.
Người đang dùng thuốc trị chứng mất ngủ: Rau má có thể có tác dụng làm chậm hoạt động của não. Các loại thuốc có tác dụng tương tự có thể bao gồm các loại thuốc làm giảm triệu chứng lo âu và khó ngủ. Nhưng việc kết hợp rau má với những loại thuốc này có thể làm tăng khả năng xảy ra tác dụng phụ.
Mặc dù rau má thường được coi là an toàn khi sử dụng nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Loại thảo dược này không thể thay thế phương pháp điều trị đã được bác sĩ chỉ định và trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến các tác dụng phụ bất lợi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nước thanh nhiệt có hiệu quả làm mát gan?