Rau khúc nếp để làm thuốc thu hái tốt nhất vào mùa đông xuân, tháng giêng trở ra. Thu hái rau non trước khi cây ra hoa, rửa sạch dùng tươi hoặc sấy khô. Trong dân gian, ngoài công dụng làm bánh khúc ăn, thường dùng lá khúc để giải cảm, chữa ho, viêm phế quản.
Rau khúc nếp.
Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh phế, tỳ và vị. Có công dụng khu phong tán hàn, hóa đàm chỉ khái, lợi thấp, giải độc. Có công dụng trị cảm mạo phong hàn, ho nhiều đờm, hen suyễn... Dùng ngoài chữa phong chẩn mẩn tịt, tan huyết ứ, chấn thương sưng đau.
Chữa cảm lạnh, sốt, ho: rau khúc khô 20g (hoặc 40g tươi) sắc nước uống trong ngày; Có thể thêm tía tô, kinh giới, mỗi thứ 10g, cùng sắc uống.
Chữa viêm họng, hen suyễn: rau khúc khô 30g, gừng 5g. Sắc uống; Hoặc dùng bài: Rau khúc khô 30g, ma hoàng 6g, khoản đông hoa 9g, hạnh nhân 9g, bạch tiền 9g, sắc uống.
Chữa ho nhiều đờm: rau khúc khô 20g, đường phèn vừa đủ, sắc nước uống trong ngày.
Chữa viêm phế quản mạn tính: Rau khúc khô 30g, khoản đông hoa, lá tì bà, mỗi vị 10g. Sắc uống.
Chữa tăng huyết áp: rau khúc khô 12g, câu đằng 9g, tang ký sinh 9g. Sắc uống trong ngày.
Chữa khí hư bạch đới: rau khúc 15g, cỏ seo gà 15g, đăng tâm thảo 15g, cỏ xước 12g. Sắc uống trong ngày (chú ý: không uống thuốc trong ngày có kinh nguyệt).
Chữa gân cốt đau mỏi, chân và đầu gối sưng thũng: rau khúc khô 30-50g, sắc uống như nước trà hàng ngày.
Thuốc dùng ngoài:
Chữa đau nhức do bệnh gút, thấp khớp, do chấn thương va đập, mụn nhọt: rau khúc (lá và cành non) tươi, rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ sưng đau, dùng gạc y tế băng cố định lại.