Rau đay

21-06-2019 20:55 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Rau đay thường nấu canh ăn rất mát cho mùa hè, nhưng nhân dân thường dùng để làm thuốc lợi sữa cho phụ nữ sau sinh. Xin bác sĩ cho biết cách thức và liều dùng.

(Nguyễn Thị Hoa - Hà Tây)

Rau đay còn gọi là rau đay quả dài, Corète potagère.

Tên khoa học Corchorus olitorius L. Thuộc họ đay Tiliaceae.

Mô tả cây

Cây rau đay hay rau đay quả dài là một loại cỏ cao chừng 1 - 2m, thân màu đỏ nâu, ít phân cành. Lá hình trứng dài nhọn, phía gốc lá tròn hay tù, mép có răng cưa, dài đến 10cm, rộng 2 - 4cm, có 3 đến 5 gân ở phía dưới. Lá kèm hình sợi.Hoa nhỏ màu vàng mọc ở kẽ lá, họp từng 3 hoa một trên một cuống ngắn.Đài 4 - 5, tràng 4 - 5, nhị 45 - 50 xếp thành nhiều vòng. Quả hình trụ có 5 sống dọc, nhẵn, dài 5cm. Hạt hình lê khi cắt ngang có hình 5 cạnh.

Rau đay

Phân bố, thu hái và chế biến

Ở nước ta cây rau đay được trồng ở nhiều nơi để lấy lá non nấu canh ăn cho mát và nhuận tràng.Lá non hái sau khi trồng cây chừng 1 tháng.

Đay còn là cây công nghiệp cho sợi dệt túi, xe dây.

Còn được trồng ở các nước khác thuộc châu Phi, châu Á, và châu Mỹ cũng để lấy lá non ăn làm rau, làm thuốc và lấy sợi, có khi người ta dùng hạt làm thuốc.

Công dụng và liều dùng

Nhân dân ta và nhân dân một số nước khác thường dùng rau đay để nấu canh ăn hoặc làm thuốc mát, chữa táo bón, ho, bổ.

Người ta còn thấy rau đay là một loại thuốc lợi sữa: Nếu tuần đầu tiên sau khi sinh, ăn hàng ngày 150 đến 200g vào mỗi bữa ăn chính, các tuần lễ sau, mỗi tuần ăn 2 lần với liều 200 đến 250g thì lượng sữa tăng. Trong sữa tỷ lệ chất béo tăng hơn mức trung bình.

Gần đây, ở Việt Nam đã dùng hạt đay đã hết khả năng mọc làm nguyên liệu chế đay cozit để chữa các bệnh tim.

Chú thích

Ngoài cây rau đay nói trên còn có cây rau đay quả tròn (Corchorus capsularis L) cùng họ. Nhân dân ta ít dùng để ăn hay làm thuốc, nhưng tại các nước khác, người ta dùng như cây rau đay của ta.

Cây này sống hàng năm, cao 1 đến 3m. Lá hình trứng dài và hẹp, đầu rất nhọn, phía gốc lá tròn, mép có răng cưa, dài 6 - 12cm, rộng 1,5 - 3,5cm, hai răng cưa cuối cùng có lông dài. Hoa mọc từng cụm 2 hay 3 hoa có cuống ngắn.Đài 4 - 5, tràng 4 - 5, nhị 18, bao phấn hình vuông. Quả hình cầu hay hình lê, dài 12mm, rộng 10 - 11mm, có sống hơi rõ, trong chứa 2 hàng hạt, mỗi hàng 5 hạt.

Nhân dân ta có trồng cây này nhưng chủ yếu để lấy vỏ làm sợi dệt bao tải.Đôi khi cũng hái lấy rau ăn.Nhân dân Ấn Độ dùng lá sắc uống làm thuốc bổ, nhân dân Malaixia dùng chữa lỵ, chữa ho trẻ em.

Trong lá, Kobert (1906) thấy một glucozit gọi là capsulin có vị đắng và bổ, tác dụng trên tim như lá Digitalis.

Từ hạt cây này, Karrer và P. Banerjea (1949) đã lấy ra được một glucozit rất đắng gọi là corchotoxin, đồng phân với chất strophantidin và calotropagenin, có tác dụng giống như digitalin.

Dầu chiết từ hạt cây đay giống như dầu hạt bông. Ta có thể phân tích dầu này thành hai phần dầu khô và dầu không khô. Một số tác giả khác cho rằng trong hạt cây đay còn có 2 chất đắng gọi là corchorin và corchoritin.


GS. ĐỖ TẤT LỢI
Ý kiến của bạn
Tags: