Rau đá đảo Phú Quý

03-02-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Không phải bây giờ mà cách đây hơn bốn ngàn năm về trước, những người phụ nữ Việt Nam đã mò rong, kiếm rau trên những hòn đảo, quần thể san hô, hòn đá ngầm xa tít ngoài khơi biển Việt Nam.

Không phải bây giờ mà cách đây hơn bốn ngàn năm về trước, những người phụ nữ Việt Nam đã mò rong, kiếm rau trên những hòn đảo, quần thể san hô, hòn đá ngầm xa tít ngoài khơi biển Việt Nam. Những hòn đảo, hòn đá ngầm -  cột mốc biên cương hải đảo ấy, chìm hàng chục sải tay dưới đáy biển. Chỉ mỗi buổi chiều, khi nước rút ra xa dài hàng chục cây số thì mới thấy được đảo, đá ngầm và những loài thực vật quý.

Bờ biển đảo Phú Quý.

Bờ biển đảo Phú Quý.

Phú Quý là hòn đảo tiền tiêu trên biển Đông duy nhất của tỉnh Bình Thuận. Đảo giàu có và sang trọng đầy hải đặc sản tất cả 12 tháng trong năm. Biển Đông còn cho người dân Phú Quý nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là rau đá. Nguồn hải sản này là lương thực cứu cánh chủ yếu cho người dân ở đảo vào thời kỳ sơ khai lập đảo bám biển giữ làng. Năm 1983, khi dạy học ở đảo Phú Quý, tôi cùng với ông Huỳnh Văn Hoạch (Tổng Hoàng 1910 - 1992) sưu tầm tư liệu viết lịch sử đảo và lịch sử Đảng huyện đảo Phú Quý. Theo đó, thế hệ sơ khai trên đảo cai quản chế độ mẫu hệ. Phụ nữ đóng vai trò chính trong gia đình. Nhà cửa lập làng cách biển hơn 1 cây số, phương tiện đánh bắt hải sản thô sơ, đàn ông chưa phải là lao động chính trên biển nên chủ yếu lao động trồng khoai, trỉa đậu, canh bắp, cắm mì bằng bàn tay phụ nữ. Chiều về, khi nước biển rút xuống nhanh hàng chục cây số, trơ trọi những bãi đá ngầm, những người phụ nữ tập hợp thành từng nhóm, họ bám dần theo con nước đang rút để bắt cá, thu cua, mò ốc len lỏi trong những hốc đá, xung quanh mặt đá ngầm, đảo nhỏ. Những rong rêu lẫn trong cua sò ốc được mang về làm thức ăn. Và vô tình dùng được những rong rêu ấy, cảm thấy sức khỏe tiến bộ, nhẹ nhàng cơ thể, lao động không cực nhọc. Từ đó, cứ mỗi lần đi bắt ốc, mò cua, lùa cá, họ cào cạy luôn những tảng rong rêu bám trên đá đem về làm lương thực nuôi sống gia đình. Kinh nghiệm lao động được công nhận rong rêu có nhiều tên như rau đá là loại rau mọc trên đá ngầm; rau câu là cọng rau có hình dáng nhỏ và uốn cong như móc câu. Loại rau này mọc tràn, bấu víu thành chùm câu kết với nhau giữa đá ngầm và quần thể san hô bện chặt; rau chân vịt chuyên mọc xa trên những bãi hòn đá non mới lớn dần ngầm dưới đáy biển, bởi tua tủa hình thành phát triển từng ngày, có hình thù giống chân con vịt nên có tên rau chân vịt; nước rút tới đâu là loại rong dựng ngược lên thành như rừng rong rêu tốt tươi đến đó, loại này có tên là rau xa, theo con nước rút thấy rau xa xa mà gần, sờ là mát mềm êm tay. Loại rau này rất nhiều, những năm 80 của thế kỷ trước còn ít người thích dùng. Những năm gần đây vô cùng quý hiếm! Một loại rau khác là dược liệu rẻ tiền lại đặc hiệu chữa bệnh bướu cổ là rong mơ. Tôi đã từng thu hái những tảng rong mơ ở Hòn Tranh (đảo Phú Quý, Bình Thuận) to hơn mái nhà cấp 4, loại rau này là phương tiện làm nhà che chở cho các loài thủy hải sản ngành thân mềm như mực, cua, tôm...

Lặn biển mò rong mơ.

Lặn biển mò rong mơ.

Ở đảo Phú Quý khi chiều về, mặt trời còn cách vài cây sào trên đỉnh núi Cấm, ánh sáng tưng bừng, từng cơn gió thổi nhẹ nhàng đu đưa những cành dương còn đẫm ướt. Nước biển cạn dần, các bà các chị ơi ới gọi nhau, theo thói quen đi như chạy thành nếp thẳng hàng hướng biển. Mỗi người trên lưng đeo một cái gùi, tay cầm 1 cái kính lặn và 1 cái cào. Loại dụng cụ để hái rau đá, là miếng sắt mỏng bằng hoặc lớn hơn ngón chân cái người lớn, một đầu uốn cong, một đầu đập dẹt dài làm tay cầm. Họ lom khom như thói quen ngàn đời định sẵn, cào cào lấy rau và bỏ vào gùi mang sau lưng. Thỉnh thoảng những người phụ nữ lại lặn hụp xuống nước bằng kính lặn bảo vệ mắt, mò từng cọng rau mọc sâu trong hốc đá chìm trong nước biển. Mỗi tháng chỉ hái rau đá được 15 ngày, đó là 2 tuần trăng sáng. Chỉ khi trăng sáng rau đá mới mọc dày, lớn nhanh và có chất lượng ngon thơm. Đây cũng là thời điểm ưu tiên nước biển rút ra xa bờ nhanh và dài nhất, tạo điều kiện để các bà các chị hái rau an toàn. Rau đá hình thành và phát triển liên tục 12 tháng trong năm. Từ tháng giêng đến tháng 8 thường hái rau đá vào buổi chiều. Các tháng còn lại trong năm hái rau đá vào buổi sáng, khi con gió mang hơi biển nồng thơm đặc thù xông vào xóm làng nhà cửa.

Chế biến rau đá thật đơn giản. Rửa sạch rau cho vào nồi đổ ngập nước, cho thêm vào một nắm lá me tươi, lá già hay non đều được, nấu sôi vài phút, nhấc khỏi bếp, lọc qua vải mùng thưa, cho nước đường vừa đủ ngọt, để nguội ăn rất ngon. Món ăn này còn là thuốc chữa bệnh bướu cổ, táo bón kinh niên, nhuận trường tẩy độc, ổn định tim mạch, tiêu trừ thấp khớp, thoái hóa khớp. Theo Đông y, rau đá còn có tác dụng bổ thận, bổ gan, nhuận phổi. Điều trị các bệnh liên quan đến chức năng can thận. Rau đá còn dùng hầm chung với thịt lợn, nấu canh với thịt, cá, ăn vừa mát vừa bổ. Những ngày Tết, ăn nhiều dầu mỡ chiên xào mà có món rau đá Phú Quý trong nhà thì rất có lợi cho sức khỏe.             

Lý Nam

 


Ý kiến của bạn