Bắp cải hay cải bắp (Brassica oleracea nhóm Capitata) là một loại rau chủ lực trong họ Cải (còn gọi là họ Thập tự - Brassicaceae/Cruciferae), phát sinh từ vùng Địa Trung Hải. Nó là cây thân thảo, sống hai năm, và là một thực vật có hoa thuộc nhóm hai lá mầm với các lá tạo thành một cụm đặc hình gần như hình cầu đặc trưng.
Cải bắp được trồng trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Cải bắp thuộc nhóm rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ xuân hóa (nhiệt độ cần thiết để phân hóa mầm hoa) là 1 - 100C trong khoảng 15 - 30 ngày tùy thời gian sinh trưởng của giống.
Thành phần hóa học trong 100g chứa: lipid 0,8g, chất xơ 1,7g, dẫn xuất phi protein 4,9g, khoáng toàn phần 2,4g.
Về mặt dinh dưỡng, trong 100g cải bắp cung cấp cho cơ thể 50calo, nhiều muối khoáng, nhất là canxi, photpho, kali, sắt. Lượng vitamin C trong bắp cải chỉ thua cà chua, nhưng nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Trong bắp cải, vitamin C kết hợp sẵn với vitamin P thành phức hợp PC và vitamin C được vitamin P bảo vệ khỏi bị oxy hóa để cho giá trị sinh học cao hơn thuốc vitamin C.
Những lợi ích
Nước cải bắp giúp khỏe dạ dày: vào năm 1948, các nhà khoa học đã phát hiện trong cải bắp có một chất chống loét gọi là vitamin U, giúp chữa loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày - ruột, viêm đại tràng. Do vitamin U bị hủy ở nhiệt độ cao, nên dùng nước ép cải bắp tươi nếu muốn phát huy tác dụng này. Một ký lá cải bắp tươi sẽ cho 500 - 700ml nước ép, nếu giã tươi lấy nước cốt thì được 350 - 500ml. Dùng nước ép hoặc nước cốt cải bắp uống trong ngày với liều 1.000ml, chia làm 4 - 5 lần (có thể pha thêm đường hay muối, dùng nóng hay lạnh). Điều trị liền trong vòng 2 tháng, sẽ có kết quả rõ rệt đối với bệnh nhân có ổ loét chưa sâu lắm. Các loại cải khác như cải rổ (var.viridis L), cải bẹ dúng (var.sabauda.), súp lơ, cải hoa (var.botrytis L)… đều có tác dụngchữa bệnh như cải bắp.
Qua nội soi, các chuyên gia Ấn Độ đã chứng minh được sự hình thành một lớp màng nhầy có 2 chức năng vừa che chở, vừa tái tạo niêm mạc dạ dày dưới tác dụng của bắp cải. Ngoài ra, họ đã xác định được một hoạt chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Hoạt chất này chỉ có trong bắp cải tươi và hàm lượng cao khi còn tươi xanh và thu hái vào mùa xuân hay mùa hè, hầu như mất tác dụng vào mùa đông...
Theo kinh nghiệm dân gian, tác dụng nước ép bắp cải sẽ được gia tăng gấp bội nếu dùng hòa chung với nước ép rau cần tây. Trong nhân dân thường muối dưa bắp cải với rau cần ta cũng là một kinh nghiệm tốt.
Tác dụng của bắp cải đối với bệnh ung thư: một số công trình nghiên cứu của Viện đại học New York cho thấy ăn bắp cải thường xuyên giúp ít bị ung thư đường tiêu hóa. Tất cả các loại cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, nhưng rõ rệt nhất được xác định là bắp cải. Nếu ăn 1 tuần 1 lần bắp cải giảm 70% xác suất bị ung thư ruột. Nếu 2 tuần 1 lần sẽ giảm được 40%. Công trình nghiên cứu tác dụng chống ung thư của bắp cải do GS. Wattemberg ở Viện đại học Minnesota cũng cho thấy: Chiết xuất từ bắp cải được một nhóm hoạt chất là indol. Qua thực nghiệm trên súc vật cho thấy, chất này làm giảm tỉ lệ ung thư vú chỉ còn 1,5 so với lô đối chứng. Liều rất thấp cũng có thể bảo vệ 1/2 so với súc vật thí nghiệm.
Thú vị hơn là loại bắp cải tím (sở dĩ có màu tím là vì trong nó chứa hàm lượng polyphenol anthocyanin cao; chất anthocyanin có tính kháng viêm nên giúp cơ thể tránh được hiện tượng lão hóa sớm), nên giúp da đàn hồi, mềm mại do đó ăn bắp cải tím chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp đem lại làn da đẹp, đàn hồi và mềm mại. Bắp cải tím còn là nguồn phong phú vitamin C và vitamin K.
Một số bài thuốc dùng cải bắp
Giảm đau nhức do thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh tọa: ép cải bắp lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau nhức.
Chữa đái tháo đường: cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng 100g hàng ngày giúp phòng và trị bệnh tiểu đường týp 2.
Kháng sinh: nước ép cải bắp có thể chữa viêm họng, viêm phế quản, khản tiếng, phòng chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm ngoài da. Đắp bắp cải ngoài da có thể chữa mụn nhọt và vết sâu bọ đốt.
Chữa đau khớp, nhức tay chân, nổi hạch: lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3 - 4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi cột lại.
Chữa ho nhiều đờm: dùng 80 - 100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3 cho thêm mật ong uống trong ngày kết hợp ăn bắp cải sống.
Cách làm nước ép bắp cải như sau: bóc từng lá bắp cải lấy cả lá xanh bên ngoài, rửa nhiều lần cho sạch, rọc đôi theo sống từng lá. Chần qua với nước sôi. Vớt ra để ráo nước. Cho vào cối sạch, giã nát, lấy vải màn hay gạc sạch lọc lấy nước. 1kg bắp cải có thể ép được khoảng 500ml nước.
Lưu ý: Với bắp cải, không dùng cho người tạng hàn, nếu muốn dùng phải phối hợp với gừng tươi. Cải bắp chứa một hàm lượng nhỏ Goitrin là chất có tác dụng chống oxy hóa nhưng chính nó lại có thể gây bướu cổ. Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không ăn bắp cải vì sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Nếu cần chỉ ăn một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để 10 - 15 phút rồi mới chế biến, khi ấy Goitrin sẽ bị phân hủy hết.
Những người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không dùng bắp cải. Người táo bón, tiểu ít thì không ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.
ăn bắp cải tím chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp đem lại làn da đẹp, đàn hồi và mềm mại
Nếu ăn 1 tuần 1 lần bắp cải giảm 70% xác suất bị ung thư ruột
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ