Hoạt động chiếu phim góp phần quan trọng trong việc định hướng giáo dục, là cầu nối giữa điện ảnh với công chúng. Tuy nhiên, việc phát hành phim tại các rạp, phòng chiếu bóng ở các địa phương tại nước ta thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị lỗi thời, cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn phim eo hẹp... Vì vậy, gỡ rối cho vấn đề này cũng rất cần thiết.
Nhiều bộn bề
Tại cuộc hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành khu vực phía Bắc gần đây, nhiều ý kiến của các nhà quản lý cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc phát hành, chiếu phim tại rạp phục vụ khán giả yêu thích điện ảnh.
Nhiều rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành phía Bắc vì nhiều lý do khác nhau nên rất vắng khán giả.
Nguyên nhân do sự xuống cấp của các rạp, tình trạng thiếu máy móc hiện đại, thiếu nguồn phim... đã đẩy hệ thống phát hành phim của các tỉnh, thành trở nên bi đát hơn bao giờ hết. Ông Bùi Thế Lâm - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng chia sẻ, trung tâm hiện nay có 3 rạp chiếu phim tại Hải Phòng đều nằm ở vị trí đắc địa nhưng cơ sở xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu. “Thiết bị chiếu phim hiện có tại các rạp của Hải Phòng là đầu HD kết nối với máy chiếu, nguồn phim là ổ cứng do Cục Điện ảnh cung cấp, vì thế, rất khó thu hút khán giả đến rạp” - ông Lâm chia sẻ. Ông Lâm còn cho biết thêm, hằng ngày, hoặc là các rạp ở Hải Phòng không có được buổi chiếu nào, nếu có buổi chiếu thì cũng chỉ vài người xem.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La không có rạp chiếu phim đã gần 20 năm nay, chỉ có 26 rạp chiếu bóng lưu động hoạt động để phục vụ bà con nhân dân trong toàn tỉnh. “Trên thực tế, Sơn La chỉ là một trong 18 tỉnh, thành trong cả nước gặp phải tình trạng tương tự như trên” - ông Trần Hồng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Sơn La buồn rầu cho biết. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, hoạt động chiếu, phát hành phim tại Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cũng gặp khó khăn do khuôn viên quá chật chội, chưa thể nâng cấp lên thành các cụm rạp hiện đại, đa năng.
Không ít ý kiến cho biết, hiện nay các rạp ở tỉnh, thành phía Bắc cũng xuống cấp, thiết bị lạc hậu và không còn phù hợp, nguồn phim èo uột. Có tỉnh mỗi năm chỉ có vài bộ phim về đến địa phương, đã vậy phim lại được chiếu chậm hơn so với lịch phát hành chung trên toàn quốc một thời gian dài, vì thế sức hút với người xem giảm đáng kể. Thế mới có chuyện khán giả từng phàn nàn, phim ở rạp địa phương thường chiếu sau phim của tư nhân vài ba tháng, khi đó bom tấn cũng thành... bom xịt rồi. Với đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần, ông chỉ ra nguyên nhân các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng nhà nước đang hụt hơi so với tư nhân vì tư nhân làm tốt công tác tuyên truyền, có một đội ngũ riêng về giới thiệu về phim. Công tác PR của tư nhân rất bài bản...
Gỡ khó bằng cách nào?
Theo bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, chúng ta cần đẩy mạnh công tác phát hành phim và chiếu tại rạp, qua đó tạo ra bước phát triển mới cho nền điện ảnh dân tộc, xóa đi khoảng cách giữa điện ảnh thành thị và nông thôn, chênh lệch vùng miền. Tuy nhiên, để làm được điều này, với thực tế bộn bề kể trên thì không thể giải quyết một sớm một chiều.
Đại diện Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến, việc giữ lại hoặc đầu tư xây dựng mới rạp chiếu phim là hết sức cần thiết, việc đầu tư cơ sở vật chất cho điện ảnh là rất cấp bách trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế. Trong khi đó, một nhà quản lý của Trung tâm Chiếu phim quốc gia chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình cho nhiều đơn vị ở địa phương, đó là phải đưa thêm nhiều hình thức dịch vụ hỗ trợ vào rạp chiếu, phải tiến hành xã hội hóa bằng cách liên kết kinh doanh. Không những vậy, các rạp và trung tâm chiếu bóng các địa phương, ngoài sự hỗ trợ từ nhà nước cần phải triển khai xã hội hóa để đầu tư vào công nghệ, thiết bị chiếu phim, tôn tạo cảnh quan của rạp...
Một số ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh việc phát hành và phổ biến phim tại các rạp địa phương, chúng ta cần thống nhất mô hình phát hành phim; thực hiện chính sách hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ vốn phát triển cơ sở kỹ thuật và hạ tầng cho các công ty điện ảnh, trung tâm chiếu phim và chiếu bóng địa phương; điều tiết nguồn phim; đẩy mạnh công tác xã hội hóa... Theo bà Ngô Phương Lan, Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động hỗ trợ các trung tâm phát hành phim về chính sách, quy hoạch, nhưng bên cạnh đó, các trung tâm cũng phải có những bước đi chủ động. “Sẽ rất khó nếu yêu cầu Nhà nước vừa cấp máy chiếu phim, vừa cấp tiền chi phí” - bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
NSND Nguyễn Hữu Phần cho rằng, để phim nhà nước thu hút hơn tại các rạp, chúng ta phải giỏi PR. Điều này hoàn toàn có lý vì quan sát từ thực tế, nhiều phim của tư nhân chỉ ở dạng “thường thường bậc trung”, thậm chí vô bổ nhưng vì họ biết cách PR nên đánh vào sự tò mò của khán giả và để hết tò mò thì dĩ nhiên mọi người phải đến rạp xem trọn vẹn bộ phim đó.