Tôi có cảm giác, cũng có lẽ suy từ chính mình, là ở Việt Nam ta, người biết tên nước Tây Ban Nha thì nhiều lắm, nhưng được đến Tây Ban Nha thì không nhiều bằng đến các nước châu Âu khác. Những hàng hóa mang nhãn Tây Ban Nha cũng chưa vào nước ta nhiều. Hiện diện Tây Ban Nha ấn tượng nhất là vào mùa bóng đá. Hiện diện trên tivi và trong câu chuyện World Cup 4 năm một lần. Như tôi biết tên nước Tây Ban Nha từ khi học tiểu học trường làng cách đây ngót bẩy chục năm khi nghe kể ông Kha Luân Bố tìm ra châu Mỹ. Cái tên nghe lạ tai, lũ chũng tôi gọi là Tây Bán Nhà, rồi cười đắc chí với nhau, rằng bán nhà nên mới phải đi tìm đất, do vậy mà tìm ra châu Mỹ. Lớn lên đọc truyện Đônkihôtê, phục nhân vật này, đầu đội cái chậu thau xông ra trận tiền tưởng tượng, đánh nhau cả với cối xay gió để bênh vực con người. Rồi lại cũng phục cái triết học thô thiển mà rất thực tiễn của anh đầy tớ Săng xô Păng sa, sau khi nghe thày hùng biện lý tưởng giải phóng toàn nhân loại cao cả thì bao giờ cũng nhỏ giọng rụt rè hỏi thày: Thế tối nay thày trò ta ăn ở đâu, ngủ ở đâu? Bây giờ vào tuổi già mới thấy hai thứ ấy (tìm ra châu Mỹ và Đônkihôtê) là hai cống hiến lớn nhất của Tây Ban Nha cho nhân loại. Mùa hè năm nay, tôi quyết mươi ngày khăn gói đi Tây Ban Nha, theo trục tây nam lên đông bắc, qua mấy thành phố tiêu biểu mà điểm đầu là Sevill cuối là Barcelona.
Cung điện Hoàng gia ở Sevilla
Sevilla có eo biển Gibralta, bờ bắc eo này thuộc Sevilla, còn bờ nam thuộcMoroco, châu Phi rồi. Gibralta cấp nước Đại Tây Dương cho Địa Trung Hải, giảm độ mặn cho biển này. Eo biển rộng có 13km. Nhưng nếu nó khép lại (theo đà chuyển dịch của các lục địa, Bắc Phi đang tiệm tiến vào Nam Âu) thì Địa Trung Hải chỉ còn là cái ao, nước cạn dần, ở đây nước bốc hơi mạnh, chắc cái “biển giữa đất” này sẽ biến thành mỏ muối cho tương lai xa. Nhưng đó là chuyện của các nhà địa chất quen tính việc đời bằng vạn năm triệu năm. Cái mà khách du lịch quan tâm là các công trình kiến trúc cổ của Sevilla: những cung điện của hoàng gia, trụ sở hành chính của vùng (Aldalucia) của tỉnh (Sevilla), của những căn nhà cổ. Người Sevilla, đôn hậu, quảng giao. Một đặc điểm của các địa danh du lịch. Buổi đầu tiên, chúng tôi đặt ăn ở một tiệm gần nơi ở. Bà chủ quán đón khách xa như đón người trong họ. Bữa ăn, sau này mới thấy là nó cũng bình thường nhưng lúc ăn thì hào hứng như ăn cỗ ở nhà ông trưởng họ. Thế mới tài!
Bãi biển trong thành phố Barcelona
Trưa ấy máy bay hạ cánh. Từ sân bay về chỗ trọ đi xe bus. Nhà trong một phố nhỏ, ngay cạnh ngôi nhà thờ cổ vĩ đại kiểu gô tích nổi tiếng, có tháp chuông cao 91m, xây từ năm 1402, ở ta lúc đó đang là cuối thời Trần mà mãi đến 1519, cuối Hậu Lê, lúc Mạc Đăng Dung sắp lập nhà Mạc, mới hoàn thiện. Kiến trúc của ta hồi ấy bây giờ còn được những gì? Tôi đã từng sửng sốt và nhiều phen đến ngắm các nhà thờ ở Milăng, ở Florence nước Ý, nơi những tượng và phù điêu trên tường đá, trên cột trụ, phong phú và tinh xảo vào bậc nhất thời Phục Hưng mà vẫn kinh ngạc thích thú trước dáng vẻ nhà thờ Sevilla. Một dáng đá nâu trầm rướn từ mặt đất lên nền mây như một thông điệp trần gian gửi tới cõi bề trên. Tôi cứ có cảm giác là ngôi nhà thờ mầu nâu này mang vẻ u uẩn tâm linh hư ảo nhiều hơn là gần với đời thực như ở Ý. Và là sức quyến rũ, là cách tạo niềm tin cho trần gian.
Quảng trường Tây Ban Nha ở Sevilla
Sáng hôm sau, chủ nhật, phải xếp hàng mua vé thăm khu hoàng gia kế ngay bên nhà thờ. Kiến trúc ảnh hưởng Hồi giáo. Khu hoàng gia nằm trong khuôn viên một pháo đài cổ. Tường thành bao quanh có hành lang tuần tra và trạm đặt súng. Cung điện ảnh hưởng kiến trúc Hồi giáo. Tôi để ý một phòng rộng có mái vòm ghép bằng những mảnh kim loại và thủy tinh lấp lánh, thu hút đông du khách chụp ảnh, chụp sao cho được gương mặt mình lại có vòm trần phía sau. Người chụp phải đưa máy ảnh sát sàn nhà mà bấm lên. Vườn rộng, độ cao thấp khác nhau, có các bậc lên xuống trang trí và các hành lang dẫn, đẹp về dáng hơn là trạm khắc tinh tế như cách chơi của mấy ông vua Pháp. Lên xe Sigh Seeing đi vòng thành phố. Phía sông có vòng cung phố cổ, đường hẹp, lát đá, loại đá xanh hình hộp cắm đứng xuống mặt đường như găm dăm cối xay ở quê mình. Kiến trúc Sevilla nhiều phong cách từ Pháp (giai đoạn dòng Bourbon) Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Bắc Phi, Hồi giáo, Thiên chúa giáo… Qua đấu trường bò tót xây vòng tròn. Thăm quảng trường Tây Ban Nha, có vòng cung khu nhà chính phủ dài rộng mênh mông, một con hào xây lượn song song uốn vòng phía trước, bao lấy khu đài phun nước. Trên hào có những chiếc cầu cong, ốp nhiều họa tiết bằng các mảnh sứ hoa lá nhiều màu. Nhiều chim bồ câu, phân chim rơi trắng trên mọi công trình, khách du lịch phải chú ý đừng đứng vào nơi chim có chỗ đậu. Sevilla nội đô chỉ dưới 700.000 dân mà không gian hành chính ở đây sao rộng thế, kiến trúc quá bề thế. Chờ xe bus ở điểm đỗ nếu không vẫy, bus không đỗ. Chúng tôi đã nhỡ một chuyến vì thế, mất 20 phút, kể đi bộ thì đến nhà cũng chỉ 20 phút.
Trần nhà thờ Familia kiến trúc sư Atonie Guadi
Dọc một phố nhỏ, gần tiệm cà phê tôi uống, thấy trên tường một biểu ngữ chữ sơn to “Hãy vui mua sắm ở con phố mà Xéc văng tet (Cervanthes) đã làm nên lịch sử”. Chả biết con hẻm này có liên quan gì đến ông nhà văn ấy hay chỉ là khẩu hiệu chung cho cả Tây Ban Nha. Ở các con phố đi bộ nơi đây họ căng ngang chiều cao ngôi nhà ba tầng, các tấm bạt trắng che nắng cho cả mặt đường. Rất may là ba hôm chúng tôi lưu tại đây trời lại nhiều mây, sáng còn hơi lạnh 19 độ chứ trên mạng thì Sevilla là nơi nóng nhất châu Âu, trưa nắng ngót 40 độ.
Nhà ga Sevilla, Santa Justa, có một vòm cao như nhiều ga xe lửa châu Âu. Qua cửa soát vé, theo băng chuyền xuống tầng dưới là bờ ke đợi tàu. Hình ảnh đường sắt, dù chạy điện, cũng đá củ đậu tôn nền tà vẹt và cỏ cằn xơ xác hai bên đường ray thiên lý. Tàu chạy, quay nhìn lại Sevilla, thấy nhô lên đầu cột một chiếc cầu, như con chim trắng vươn cổ vào vòm trời đầy mây. Đã gặp những cánh đồng khô cháy cỏ, xen lẫn những thửa rau xanh, và ruộng ngô đang kết bắp. Đất nơi này phẳng rộng đến chân trời. Thỉnh thoảng gặp một cụm dân cư, nhà gạch một hai tầng quây lại giữa cánh đồng. Ít cây, làng chang chang nắng. Những thửa ruộng đã làm xong đất chưa trồng gieo, phẳng rộng. Xa xa xuất hiện dải núi thấp, đôi khi hiện ra đột ngột một cánh rừng mỏng. Loại cây trồng nhiều là cam và ô liu. Vùng này nổi tiếng về hai thứ đó. Hôm đến, từ trên máy bay nhìn xuống, cũng thấy hình ảnh cây rất có hàng có lối, chắc cũng chỉ cam và ôliu. Thành phố cổ kính nhưng con người Sevilla rất trẻ trung. Các cô y phục đỏ như lửa nhảy Flamengo trên các góc phố say đắm và nồng nhiệt như đối trọng kiêu hãnh với các nhà thờ và cung điện.
Tàu từ Madrid đi Barcelona cũng tương tự như vậy. Toa lướt êm trên ray, tốc độ hai ba trăm cây số giờ. Barcelona lớn thứ sáu châu Âu, là trung tâm văn hóa, kinh tế tài chính của Nam Âu, nơi có trụ sở Liên minh Địa Trung Hải. Sức thu hút du khách lớn nhất của cả Sevilla lẫn Barcelona đều do các công trình kiến trúc. Sevill là kiến trúc cổ còn Barcelona là kiến trúc hiện đại Đặc biệt là 10 công trình kỳ dị đầy tài năng của Antonie Guadi, trong đó công trình lớn nhất nhà thờ Familia thì đến nay còn dang dở. Dang dở nhưng du khách khắp thế giới phải đặt trước vé tham quan qua mạng máy tính .
Kiến trúc sư Antonie Guadi là con thứ năm, cậu út, trong một gia đình nghệ sĩ, có nguồn gốc làm nghề rèn từ Pháp. Ông đau yếu từ thuở bé, ít được đi lại chạy nhảy như bạn bè cùng tuổi. Cậu bé cứ quanh quẩn chới với, cây cỏ thiên nhiên quanh mình. Quan sát và khám phá nó. Phải chăng thiệt thòi, tật bệnh ấy đã thành một lợi thế cho sáng tạo của Guadi sau này? Lớn lên học kiến trúc. Trong quá trình học có những sáng tạo không giống ai, các thầy không thống nhất đánh giá năng lực sinh viên này. Ngày phát bằng, ông hiệu trưởng còn than rằng: Chúng ta trao chứng chỉ tốt nghiệp cho sinh viên này, là trao cho một anh đần độn hay một thiên tài? Chỉ thời gian mới trả lời được. Và thời gian đã trả lời: trong 11 công trình kiến trúc để lại cho quê hương Barcelona của Antoni Guađi đã có 7 được tổ chức Văn hóa giáo dục UNESCO tôn vinh là Di sản của toàn nhân loại (năm 1984 tôn vinh 3, năm 2005: 4). Đang đi trong đường phố Barcelona, ngoặt qua một ngã tư, chợt ngẩng lên kinh hãi và thích thú: những ngọn tháp đột ngột cao vút tua tủa như chông ngạo nghễ vươn lên nền trời, ngay giữa những căn nhà dân ở. Ban đầu không biết là công trình gì. Không thấy tường thấy mái, không ra tầng ra gác. Trông như bùn nâu rớt tự trời cao khô cứng lại từng hòn từng cục phủ lên ba vòm cửa chính. Hàng chục tháp cao, gầy, nhọn, lô nhô vươn lên. Tháp cao nhất còn chưa xây. Tôi đã được xem qua video, người ta hoàn thiện công trình bằng kỹ xảo hình ảnh ảo. Các tháp ảo vùn vụt mọc lên, kể cả tháp cao nhất, cho người đương thời, nhất là các cụ cao niên, thấy được ngôi nhà thờ khi đã hoàn thành, chắc hàng chục năm nữa. A.Guadi xây nhà thờ này từ năm 1882, khi ông ba mươi tuổi. Xây bằng tiền của thập phương cúng tiến. Hết tiền thì chờ. Có tiền lại xây. Xây rồi lại chờ. Đến năm 1926, ngày 7 tháng 6, một tai nạn xe điện làm Guadi, bị thương nặng. Ông già 74 tuổi ấy, không giấy tờ tùy thân, không có cả tiền, ăn mặc như người nghèo khổ. Người ta chở ông vào nhà thương làm phúc. Khi có người nhận ra ông thì đã quá chậm. Ông qua đời ngày 10/7/1926. Công trình Familia đành đợi đấy. Đợi tiền và đợi người tri kỷ. Hôm chúng tôi đến lại đang xây. Vào trong nhà thờ như vào một rừng cây cao vút. Mỗi cột hóa thân thành một cây vươn cao, trên ngọn tỏa nhiều cành ra đỡ trần nhà và xòe những tấm lá như lá cọ xứ ta. Thấp thoáng trong đám lá là những ngọn đèn. Tôi ngỡ như mình đang ngồi trong rừng thiêng để lòng mình trực tiếp trò chuyện với thiên nhiên, lắng nghe được tiếng nói của thánh thần lẫn với tiếng nói trong da thịt mình. Tôi cũng đã đến thăm công viên Guell xây trong các năm 1910 - 1914, toàn những nét lượn. Một sân rộng trên nóc tòa nhà chính, bao vây bằng lan can uốn lượn khảm mảnh sứ, những chỗ ngồi ngắm cảnh thú vị và lạ lùng. Một hành lang dưới hầm chống bằng những cột nghiêng, bí ẩn như đi trong hang động. Tôi cũng đi qua những căn nhà kỳ dị được xếp hạng của Gaudi. Ông thích những nét lượn, có căn nhà không dùng nét thẳng nào. Kỹ thuật xây dựng và chất liệu mới nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho phép Guadi tung hoành ý tưởng sáng tạo. Càng ngày người đời càng nhận ra tầm vóc nghệ thuật của ông. Ông là người của trào lưu Tân nghệ thuật trong khuynh hướng Hậu hiện đại của kiến trúc. Kiến trúc là nơi khởi xướng Hậu hiện đại, từ đó nó mới lan sang văn học rồi vào triết học mà thành chủ nghĩa.
Tác giả trước nhà thờ Familia Atonie Guadi
Từ khi mất đến khi được tôn vinh là cha đẻ của di sản nhân loại phải 58 năm. Hiểu được sáng tạo của những nhà cách tân không dễ. Mặt khác những tìm tòi cách tân phải đến chỗ chín mới gặp được lòng người. Người sáng tạo phải đủ bản lĩnh và trí tuệ để tin vào chính mình mà kiên trì đi đến đích.
6/12/2016