Tại đây, vũ khí được bày bán như một món hàng mà người mua rất dễ tiếp cận, sở hữu chúng chỉ qua một cái nhấp chuột. Đáng chú ý, các loại súng này có tỷ lệ sát thương rất cao, nếu được bán ra thị trường và lọt vào tay các đối tượng hình sự thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cực kỳ nguy hiểm.
Công khai rao bán hàng “nóng”
Ngày 19/11, Công an TP. HCM cho biết, đang tạm giữ đối tượng Bùi Đức Hoàng (23 tuổi, hộ khẩu tại phường 3, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; trú tại nhà trọ, KP1, P.Thạnh Lộc, quận 12) cùng lô hàng súng ngắn các loại (loại sử dụng đạn bi bằng kim loại và dùng bình ga CO2 để nạp nhiên liệu). Đây là loại súng do Trung Quốc sản xuất, tỷ lệ sát thương rất cao. Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 16/11, tổ công tác Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam, Công an TP. HCM đã phát hiện tên Hoàng đi xe máy BKS 60V2-2105 trên địa bàn quận Bình Tân, trên xe chở 2 vali hướng vào khu vực vòng xoay Phú Lâm tiến vào đường Lê Tuấn Mậu, phường 13, quận 6 để “giao dịch” hàng “nóng”. Qua kiểm tra tại chỗ và phòng trọ tại quận 12, tổ công tác tạm giữ các tang vật phương tiện gồm: 14 khẩu súng bắn đạn bi, 20 hộp tiếp đạn, 3.600 viên đạn bi bằng kim loại, 37 bình ga các loại,… Hoàng khai nhận, để có được lô súng này, Hoàng đã một mình trực tiếp từ Tây Ninh đến tỉnh Lạng Sơn giao du và móc nối với các đối tượng tại đây để lấy hàng và vận chuyển về TP. Hà Nội, tập kết tại một tiệm internet. Sau khi có được các loại “hàng”, Hoàng bắt đầu đăng lên các trang mạng xã hội để chào hàng cho những người có nhu cầu trên phạm vi cả nước. Từ đầu tháng 10/2017 đến nay, Hoàng đã bán hàng trăm khẩu súng cho các đối tượng trên cả nước, đặc biệt là các đối tượng ở khu vực phía Bắc. Thấy việc mua bán trái phép các loại súng trên mang lợi nhuận cực cao, Hoàng tiếp tục mở rộng thị trường để tiêu thụ, đặc biệt tại TP.HCM.
Đối tượng Bùi Đức Hoàng tại cơ quan công an.
Trước đó, vào đầu tháng 11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thông tin, Đội Đặc nhiệm hình sự thuộc Phòng Cảnh sát hình sự vừa cất lưới một chuyên án, triệt xóa hoàn toàn một đường dây sản xuất, mua bán vũ khí súng đạn các loại cực kỳ nguy hiểm hoạt động ở nhiều tỉnh thành phía Nam. Hiện công an đã bắt giữ 9 đối tượng trong băng nhóm này. Qua điều tra, lần theo các mắc xích, Ban chuyên án đã làm rõ, đường dây này do đối tượng Út, tức Nguyễn Hồng Phúc (SN 1984, trú tỉnh Vĩnh Long, tạm trú tỉnh Bình Phước) cầm đầu. Phúc thường ẩn náu tại khu vực rẫy tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước để nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm súng đạn. Sau khi có thành phẩm, Phúc giao cho đàn em là Lê Ngọc Mãi (SN 2001, trú tỉnh Đồng Tháp) đi bán cho nhiều nguồn có nhu cầu tại các tỉnh thành miền Nam. Cơ quan công an đã thu giữ lượng lớn tang vật vũ khí nguy hiểm các loại gồm: 26 khẩu súng các loại như súng AR15, súng bắn đạn hoa cải, súng bút, súng ru lô ZP5; 2 quả lựu đạn; 1 quả mìn tự chế; 176 viên đạn các loại; 2 kíp nổ, 1 ống giảm thanh, thuốc nổ, dây cháy chậm và nhiều dụng cụ để chế tạo súng đạn…
Hệ lụy khôn lường
Lợi dụng mạng xã hội, nhiều đối tượng đã chào mời, mua đi bán lại và thu lời bất chính từ việc kinh doanh vũ khí, chính vì thế, không khó để tìm kiếm những trang mua bán súng đạn trên Facebook hay một số website. Người dùng chỉ cần gõ từ khóa như “mua bán súng lục online”, “mua bán súng lục, K54, K59 và công cụ hỗ trợ”, “mua bán vũ khí tự vệ” là có thể tìm thấy hàng loạt bài rao bán với nhiều mặt hàng nóng khác nhau. Những người rao bán sẽ công khai đăng mặt hàng, tính năng, giá tiền cũng như số điện thoại để trao đổi. Đáng chú ý, việc mua súng khá dễ dàng được cho là nguyên nhân khiến những vụ trọng án mà các đối tượng dùng súng bắn chết nạn nhân có xu hướng gia tăng trong thời gian qua khiến cho cộng đồng lo sợ.
Tang vật súng bắn đạn bi bị cơ quan công an thu giữ.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Văn phòng luật sư Đức Chánh), hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Người có hành vi như vậy sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự 1999. Cụ thể, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Hiện nay, tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Trong những năm gần đây, cơ quan chức năng đã phanh phui nhiều đường dây mua bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trái phép. Thực trạng công khai rao bán những loại hung khí, công cụ hỗ trợ mà không được cấp giấy phép, cũng không hề rõ nguồn gốc xuất xứ đang rất đáng lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Chính vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn, cơ quan chức năng cần phát hiện, chặn nguồn cung cấp. Đồng thời kiểm tra, phát hiện kịp thời các website, quảng cáo, Facebook đang công khai rao bán công cụ hỗ trợ trái phép để xử lý nghiêm.