Rao bán thực phẩm chức năng xách tay là vi phạm pháp luật

30-09-2015 16:14 | Thời sự

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 172 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hơn 3 tỷ đồng, trong đó, vi phạm quảng cáo thực phẩm là 137 cơ sở chiếm hơn 80 % với hơn 2,4 tỷ đồng.

 

Ngày 30/9, Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục đã xử lý 172 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hơn 3 tỷ đồng, trong đó, vi phạm quảng cáo thực phẩm là 137 cơ sở chiếm hơn 80 % với hơn 2,4 tỷ đồng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị gặp gỡ báo chí phổ biến tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm tổ chức ngày 30/9

Tại hội nghị, ông Trần Văn Châu – Trường phòng Thanh tra (Cục An toàn thực phẩm - ATTP), Bộ Y tế thông tin, từ đầu năm đến nay Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi 11 giấy xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, 5 giấy xác nhận quảng cáo, tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm thực phẩm, chuyển cơ quan chức năng xử lý 15 trường hợp. Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy 2 sản phẩm thực phẩm và 230kg thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng

Ảnh tư liệu

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ những con số về ngộ độc và xử phạt liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm trong 9 tháng vừa qua, có thể nhận thấy đây là vấn đề nhức nhối. Bởi vậy, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ ban hành những văn bản, tiêu chuyển đối với các vấn đề về an toàn thực phẩm. “Hiện nay việc in quảng cáo về thực phẩm chức năng trên tờ rơi hoặc quảng cáo trên các trang web chưa được cấp phép, thậm chí trên các trang mạng xã hội đang là vấn đề rất nhức nhối”- TS Phong cho hay.

“Đã có rất nhiều người thông tin đến tôi về việc có một số đối tượng quảng cáo, bán thực phẩm là hàng xách tay, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa là, đối với các sản phẩm là hàng xách tay, bán ra thị trường dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật. Bởi, hàng xách tay chỉ được sử dụng với mục đích phục vụ cá nhân”- ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thức năng vì ham lợi mà thồi phồng công dụng của thực phẩm chức năng trên trời, dù thực tế chất lượng không như thế. Do đó người tiêu dùng cần lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng một cách sáng suốt, tránh tiền mất tật mang.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển buôn bán thực phẩm chức năng giả Ảnh Internet
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển buôn bán thực phẩm chức năng giả Ảnh Internet

Về vấn đề ngộ độc thực phẩm, tại hội nghị, TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, toàn tuốc có 129 vụ ngộ độc thực phẩm, với 3.600 người người mắc và 20 người tử vong. Trong đó có 28 vụ ngộ độc tập thể. Theo ông Hùng, so với các năm trước, năm nay sự cố về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều ở khu công nghiệp, do thời tiết nóng ẩm thất thường, bảo quản thực phẩm không đảm bảo. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp với hàng trăm người nhập viện.

Ngoài ra, vấn đề ngộ độc thực phẩm tại gia đình hiện nay vẫn duy trì với hơn 50% số mắc, nguyên nhân là do việc sử dụng thức ăn trong bếp ăn gia đình không đảm bảo, ví dụ như việc sử dụng cóc, cá nóc, ve sầu…

Không những thế, việc nhiều cơ sở sản xuất, khu chế xuất giao trắng việc chế biến món ăn cho các cơ sở chuyên về suất ăn sẵn cũng là nguyên nhân gây ngộ độc. Bởi khi giao cho các cơ sở sản xuất suất ăn sẵn thì việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không được kiểm soát chặt chẽ

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Thanh Phong, cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, cả nước có 27.000 người ngộ độc thực phẩm, trong đó 184 người tử vong. Riêng bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp khiến 6.059 công nhân phải nhập viện.

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể Ảnh Internet
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể Ảnh Internet

Ông Phong phân tích, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do công nhân có nhu cầu sử dụng thực phẩm giá rẻ, chỉ từ 10.000-12.000 đồng/suất ăn. Mặt khác, các cơ sở cung cấp suất ăn ngày càng nhiều, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát.

Ngoài ra, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao. Không ít địa phương không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, để hạn chế những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thanh kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn