Ranh giới giữa bệnh nhân và “tội phạm”

31-01-2013 13:15 | Thời sự
google news

Người mắc bệnh tâm thần nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đầy đủ có kiểm soát thường xuyên thì nguy cơ người bệnh trong cơn xung động tâm thần, loạn thần cấp, bị hoang tưởng ảo giác chi phối có thể trở thành “tội phạm” giết người cực kỳ nguy hiểm,

Người mắc bệnh tâm thần nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đầy đủ có kiểm soát thường xuyên thì nguy cơ người bệnh trong cơn xung động tâm thần, loạn thần cấp, bị hoang tưởng ảo giác chi phối có thể trở thành “tội phạm” giết người cực kỳ nguy hiểm, gây tổn hại lớn cho xã hội, người thân và cho chính bản thân họ. Cái ranh giới mong manh ấy chỉ có các chuyên gia tâm thần hiểu rõ nguồn gốc nguyên do, còn đại đa số người dân lại rất mơ hồ không hiểu bởi thiếu kiến thức và chủ quan, vì thế, những cái chết bất ngờ, đau đớn và vô cùng đáng tiếc đã và vẫn đang tiếp tục xảy ra...

Vụ việc mới nhất xảy ra đầu năm 2013, tại căn nhà số 1A ngõ 242 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Ở nhà trông con, Lê Việt Long (SN 1973) đã dùng dây siết cổ cháu G. chính là con đẻ của mình. Sau khi sự việc xảy ra, người cha tâm thần đã dùng dao cứa cổ tự tử nhưng không thành. Vào thời điểm xảy ra sự việc, chị Nguyễn Thị Kiên (SN 1979) có việc cần ra ngoài giải quyết nên đã nhờ chồng ở nhà trông cháu G. Khoảng 10 phút sau, chị Kiên trở về thì thấy Long thông báo đã bóp cổ con trai. Vội giằng con trai từ tay người cha tàn ác, chị Kiên đó thấy cháu G. bất tỉnh. Được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đến sáng nay (17/1), cháu bé đã tử vong.

Theo Trung tá Nguyễn Duy Hưng – Trưởng CA phường Thịnh Quang, Long bị bệnh tâm thần, nghiện ma túy. Tháng 7/2012, Long đã được cơ quan công an đưa vào trung tâm cai nghiện. 3 tháng sau, do bị bệnh tâm thần nên Long được trung tâm cho về cai nghiện tại nhà.

Hay vụ việc thương tâm xảy ra cuối năm 2012, một ngày định mệnh của cậu bé C.V.M. sinh năm 1995. Trong giấc ngủ vô tư của một thiếu niên 17 tuổi, cái tuổi ăn tuổi học, cậu bị chính mẹ đẻ của mình giết hại bằng một con dao... Tại cơ quan công an, mẹ C.V.M. khai nhận toàn bộ hành vi giết con và khăng khăng giết con cho con đỡ khổ... Kết quả trưng cầu giám định của Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương đã kết luận chị bị tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...

Vấn đề đặt ra là bài học nào có được sau cái chết oan uổng của cháu C.V.M. hay cháu G…? Đó chính là do người dân thiếu kiến thức về căn bệnh tâm thần và thiếu sự quan tâm đúng mức của gia đình bệnh nhân. Nếu như các bệnh nhân được gia đình đưa đi bệnh viện chữa trị nghiêm túc, không tự ý bỏ bệnh viện về nhà giữa chừng... thì sự việc đau thương trên đã không xảy ra.

Các bác sĩ tâm thần thường khuyên người bệnh uống thuốc đều đặn hằng ngày, không được tự ý bỏ. Đa số những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần sau khi điều trị ổn định phải uống thuốc liều duy trì kéo dài liên tục từ 5 - 15 năm. Có người phải uống thuốc suốt đời, song cũng có người chỉ cần uống một đợt thuốc đầu tiên là khỏi. Tùy từng người bệnh mà thầy thuốc có các cách điều trị khác nhau. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc y lệnh của bác sĩ. Sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, người thân của người bệnh với những thầy thuốc trong quá trình điều trị cho người bệnh là vô cùng quan trọng và cần thiết bởi vì chỉ có người thân mới theo sát người bệnh hàng ngày hàng giờ và hiểu sâu sắc nhất tình trạngdiễn biến tư duy tâm lý tinh thần của người bệnh.

Bệnh tâm thần - đó là một khiếm khuyết của tạo hoá cũng như một số bệnh hiểm nghèo khác mà người bệnh không may mắc phải. Bản thân người bệnh phải gánh chịu sự thiệt thòi đau đớn ấy. Gia đình và người thân của người bệnh hãy hiểu biết về căn bệnh tâm thần và  phối hợp cùng với thầy thuốc điều trị đến nơi đến chốn cho người bệnh để họ không bao giờ vượt qua cái ranh giới mong manh chết người từ bệnh nhân biến thành “tội phạm”, dù “tội phạm đặc biệt” này không bị kết án.

Minh Tuấn


Ý kiến của bạn