Răng xỉn màu làm cách nào để trắng sáng?

05-11-2024 08:15 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Răng xỉn màu là tình trạng răng bị đổi màu sẫm hơn, giảm độ trắng sáng, ngả vàng, hoặc có những đốm trắng, vệt tối màu. Hiện tượng này làm giảm tính thẩm mỹ của hàm răng, ảnh hưởng tới sự tự tin khi giao tiếp.

    Răng xỉn màu là gì? 

Răng xỉn màu là tình trạng răng không còn trắng sáng và chuyển sang màu vàng hoặc xám đen, nguyên nhân có thể đến từ thói quen ăn uống, di truyền, tuổi tác,… Sự đổi màu răng được chia thành ba loại khác nhau: nhiễm màu từ bên ngoài, nhiễm màu từ bên trong và liên quan đến tuổi tác.

Răng xỉn màu làm cách nào để trắng sáng?- Ảnh 1.

Răng xỉn màu làm giảm tính thẩm mỹ của hàm răng, ảnh hưởng tới sự tự tin khi giao tiếp.

Các nguyên nhân làm xỉn màu răng

Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng răng đổi màu, bao gồm:

Thực phẩm và đồ uống có màu sẫm: Những loại thực phẩm và đồ uống có màu đậm như cà phê, trà, quả mọng, rượu vang đỏ và nước tương có thể làm răng bạn bị ố vàng theo thời gian.

Hút thuốc: Thành phần nicotine và tar trong thuốc lá có thể gây ố vàng răng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng đổi màu răng phổ biến hơn ở những người hút thuốc so với những người không sử dụng.

Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng không tốt, tích tụ mảng bám trên bề mặt răng sẽ dẫn tới nhiều tác hại, trong đó có sự gia tăng các vết ố. Nếu bạn không loại bỏ mảng bám bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, bạn sẽ có nhiều khả năng bị đổi màu răng.

Dư thừa fluoride: Với liều lượng phù hợp, fuoride là một khoáng chất tuyệt vời giúp bảo vệ răng của bạn khỏi nguy cơ sâu răng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hàm lượng fluoride cao vượt chuẩn trong thời kỳ phát triển có thể dẫn tới hiện tượng nhiễm fluor (fluorosis), gây ra các đốm màu trên bề mặt răng.

Di truyền: Màu sắc, độ sáng và độ trong của răng tự nhiên khác nhau ở mỗi người. Một số người có thể có màu răng tự nhiên xỉn hơn do yếu tố di truyền.

Chấn thương răng: Ngã, tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao,… có thể dẫn tới chấn thương răng, tổn thương mô tuỷ răng, gây ra tình trạng răng đổi màu. Ngoài ra, chấn thương răng ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng tới quá trình hình thành men, gây ra các vùng đổi màu khi răng vĩnh viễn mọc sau này.

Lão hóa: Khi bạn già đi, men răng của bạn sẽ mỏng hơn, từ đó làm lộ nhiều hơn lớp ngà răng màu vàng phía dưới. Do đó, răng của bạn có thể nhìn tối màu hơn khi bạn già đi.

Các phương pháp điều trị nha khoa: Răng sau điều trị tuỷ thường sẽ bị đổi màu. Ngoài ra, một số vật liệu nha khoa cổ điển như amalgam, trước đây thường được sử dụng để trám răng, có thể khiến răng của bạn có màu xám.

Bệnh toàn thân: Một số tình trạng toàn thân có thể gây ra hiện tượng đổi màu răng, bao gồm bệnh gan, bệnh celiac, thiếu calci, rối loạn ăn uống và bệnh chuyển hóa.

Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kháng histamin và thuốc điều trị tăng huyết áp, có thể khiến răng bị đổi màu. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh tetracycline hoặc doxycycline trong thời thơ ấu cũng có thể dẫn tới sự thay đổi màu răng.

Các phương pháp điều trị ung thư: Hóa trị hoặc xạ trị vùng đầu cổ có thể khiến răng đổi màu.

Foods that stain teeth - Sherway Gardens Dental Centre

Một số loại thực phẩm làm xỉn màu răng.

Cách cải thiện hàm răng xỉn màu

Để phòng tránh tình trạng răng xỉn màu, ngay tại nhà, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:

  • Chải răng thường xuyên: Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa fluoride. Có thể chọn loại kem có tác dụng làm trắng.
  • Dùng chỉ nha khoa: Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa giữa các kẽ răng.
  • Súc miệng: Sử dụng nước súc miệng chứa fluoride để giúp làm sạch và khử mùi.
  • Tránh thực phẩm gây xỉn màu: Hạn chế tiêu thụ trà, cà phê, rượu vang đỏ, và các loại thực phẩm có màu đậm như thịt kho, cá kho nước hàng, nước tương. Nếu sử dụng, hãy súc miệng bằng nước ngay sau đó.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, như trái cây và rau củ, giúp cải thiện sức khỏe răng miệng.
  • Ngừng hút thuốc: Nếu bạn có thói quen hút thuốc, hãy cân nhắc việc bỏ thuốc vì nó có thể làm răng xỉn màu, cũng như ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ toàn thân.

Trong nhiều trường hợp, để cải thiện màu sắc răng, bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ của bác sĩ nha khoa tại phòng khám, với các phương pháp can thiệp phù hợp.

  • Lấy cao răng: Những mảng bám màu vàng, nâu, đen trên bề mặt răng thường làm giảm tính thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin. Các mảng bám này đôi khi có thể được loại bỏ bằng thủ thuật đơn giản, an toàn như lấy cao răng.
  • Tẩy trắng răng: Tẩy trắng là phương pháp có tính bảo tồn hàng đầu trong thang đo các phương pháp cải thiện thẩm mỹ răng. Thuốc tẩy trắng với thành phần hydrogen peroxide sẽ bẻ gãy các liên kết đôi của chất màu hữu cơ – yếu tố làm xỉn màu răng của bạn, từ đó làm răng trắng sáng hơn. Tuỳ vào mức độ xỉn màu, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định tẩy trắng tại nhà với nồng độ thấp hoặc tẩy trắng tại phòng khám với thuốc nồng độ cao hơn, kết hợp với chiếu laser kích hoạt.
  • Dán sứ veneer: Trong trường hợp màu sắc răng kém thẩm mỹ, không thể cải thiện bằng tẩy trắng thông thường, mặt dán sứ veneer là một lựa chọn được tin dùng. Bác sĩ sẽ đặt một mặt dán sứ siêu mỏng lên mặt ngoài của răng, từ đó giúp gia tăng độ trắng sáng và độ bóng bề mặt.
  • Chụp răng sứ: Trong trường hợp răng của bạn bị xỉn màu mức độ nghiêm trọng, ví dụ do nhiễm tetracycline, hoặc răng bị đổi màu kèm tổn thương mất mô cứng khi bị sâu răng, nha sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng chụp sứ. Chụp sứ được sửa soạn đúng quy cách, sát khít với cùi răng, sẽ giúp cải thiện màu sắc, hình dáng răng, và bảo vệ phần mô răng lành còn lại tránh bị tổn thương thêm.

Để duy trì hàm răng khoẻ đẹp, bạn nên đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần, lấy cao răng và phát hiện, kiểm soát sớm các tổn thương để có được hàm răng trắng sáng và khoẻ mạnh.

Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhMòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Mòn răng là tình trạng lớp men răng ngoài cùng bị mất đi. Sự mài mòn này sẽ tác động trực tiếp đến cấu tạo của răng, rìa răng và làm bề mặt răng giảm diện tích.

BS. Trần Thanh Bình
Ý kiến của bạn