Chào bác sĩ. Do em đi xe bị té nên bây giờ răng cửa lung lay. Sờ lay lay hơi đau mà cắn không được. Xin bác sĩ tư vấn là răng này có lành được không ạ? Xin cám ơn bác sĩ!
Đăng Quang (Vũng Tàu)
Chào em,
Răng được chứa đựng ở xương ổ răng và được giữ cứng chắc nhờ một hệ thống phức tạp gọi là hệ thống dây chằng nha chu.
Khi răng bị va đập mạnh, răng (bao gồm thân răng và chân răng) có thể bị tổn thương gãy, vỡ; hoặc tổn thương xương ổ răng; tổn thương dây chằng nha chu làm cho răng lung lay.
Trường hợp của em, trước hết cần phải cần chụp phim x-quang để kiểm tra tình trạng chân răng và xương ổ răng cũng như hệ thống nha chu để xác định tình trạng tổn thương ở mức độ nào? có tự hồi phục được hay không? Quan trọng nhất là tình trạng này.
Có một số trường hợp răng lung lay sẽ tự phục hồi, tự cứng chắc lại. Có một số trường hợp phải nhờ sợ can thiệp của bác sĩ nha khoa, ví dụ như răng được cố định bằng cách sử dụng một loại dây thép chuyên ngành nha khoa, hoặc vật liệu trám dính để cố định lại răng bị lung lay vào răng còn chắc chắn bên cạnh. Đồng thời, để đảm bảo cho răng không bị chấn động bởi hoạt động ăn nhai hàng ngày, răng bị lung lay nên được mài chỉnh khớp cắn cho ngắn lại.
Một trường hợp răng lung lay được cố định nhờ vào răng bên cạnh bởi hệ thống dây kẽm
Ở cả hai trường hợp trên, bệnh nhân phải hoàn toàn không sử dụng răng này để ăn, cắn bất kỳ vật gì cho đến khi răng cứng chắc trở lại.
Trong trường hợp răng lung lay nhiều, xương ổ răng bị tổn thương nhiều thì răng sẽ không được giữ lại mà sẽ phải nhổ bỏ để tránh tình trạng tổn thương lây lan sang các mô khác.
Trường hợp của em bởi vì em không miêu tả cụ thể hơn tình trạng răng của mình hiện tại như thế nào, lung lay nhiều hay ít? có đau không? có bị gãy, mẻ gì khác không?... nên chúng tôi không thể tư vấn cho em cụ thể, chính xác hơn được.
Bây giờ em cần đi khám, kết hợp hình ảnh chụp phim x-quang bác sĩ mới có thể đưa ra cho lời khuyên và phương pháp điều trị thích hợp được.
Thân chào em,
Ths. Bs Nguyễn Bá Lân