Răng khôn thường mọc lệch, ngầm do đâu?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3, là răng mọc cuối cùng của hàm. Răng thường mọc từ 18 – 25 tuổi, đôi khi có thể mọc sớm hơn hoặc muộn hơn. Do răng mọc sau cùng, trong trường hợp xương hàm thiếu chỗ sẽ dẫn tới răng khôn mọc lệch. Trong đó, răng khôn hàm dưới có tỷ lệ mọc lệch và ngầm cao nhất.
Răng khôn ở vị trí bình thường trên cung răng sau khi hết thời kỳ mọc bình thường. Nhưng có thể mọc lệch ở các tư thế như: lệch gần, lệch xa, lệch trong, lệch ngoài.
Hoặc cũng có thể mọc ngầm nghĩa là răng không mọc được bình thường, vẫn còn trong xương hàm, không thấy trong khoang miệng.
Trên thực tế cho thấy răng khôn hàm dưới mọc lệch, ngầm thường gặp do các nguyên nhân do răng. Bởi tổn thương mầm răng, túi thân răng bị viêm trong quá trình phát triển. Răng khôn hàm dưới cùng chung lá biểu bì tạo răng với răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất và thứ hai mà 2 răng này lại mọc lên trước nên mầm răng khôn thường bị kéo phần thân lệch về phía gần. Răng khôn mọc muộn nhất trên cung hàm nên hay bị thiếu chỗ.
Ngoài ra, do xương hàm thiếu chỗ trên cung răng, không tương xứng kích thước giữa xương hàm và răng. Tổ chức xương trên đường ra của răng bị xơ hóa do nang hay nhiễm trùng… nên dẫn đến tình trạng mọc ngầm, mọc lệch.
Răng khôn mọc lệch, ngầm do hệ lụy gì?
Các biến chứng thường gặp do răng khôn mọc lệch, ngầm gây ra là:
- Làm sai lệch khớp cắn: Răng khôn mọc lệch, ngầm trong thời gian dài sẽ tạo ra lực đẩy lớn, tác động đến những răng khác làm răng toàn hàm di lệch. Điều này vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ vừa làm sai khớp cắn, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của răng hàm.
- Gây loét niêm mạc má: Trường hợp răng khôn mọc lệch má khi ăn nhai gây chấn thương niêm mạc má, niêm mạc lợi phủ răng 8 đối diện, lâu ngày gây viêm loét.
- Viêm họng mạn tính: Dịch mủ từ túi viêm thường xuyên chảy xuống họng, gây viêm họng mạn tính.
- Biến chứng viêm hạch: Khi có biến chứng viêm nhiễm quanh răng khôn thường kèm theo viêm hạch vùng hàm và hậu hàm.
- Gây viêm quanh thân răng: Răng khôn mọc thẳng nhưng thiếu chỗ theo chiều trước – sau hoặc răng khôn mọc lệch về phía má hoặc lệch phía lưỡi, gây nhồi nhét thức ăn, vùng này khó vệ sinh làm sạch, viêm nhiễm, hình thành túi mủ (áp xe) phía xa… Trong trường hợp nặng có thể gây viêm xương hàm, nhiễm trùng huyết…
- Gây sâu răng: Đây là tình trạng rất phổ biến. Răng khôn lệch gần chèn vào mặt xa răng số 7 tạo thành khoảng trống dắt thức ăn. Vị trí này vệ sinh răng miệng khó, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây sâu mặt xa răng số 7; lỗ sâu tiến triển có thể gây viêm tủy răng số 7.
Một số biến chứng khác như: Gây rối loạn, đau khớp thái dương hàm; cản trở mọc răng số 7, ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. Ngoài ra có thể gây giảm hoặc mất cảm giác ở môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm. Khít hàm với các triệu chứng sưng tại vùng góc hàm, khó há miệng, khó ăn nhai, cử động hàm rất đau.
Cần làm gì khi răng khôn mọc lệch, ngầm?
Nhiều người có răng khôn mọc bất thường thậm chí đã bị đau nhưng thường băn khoăn có nên nhổ hay không? Trên thực tế, thủ thuật nhổ răng khôn rất đơn giản và an toàn. Tuy nhiên cần thực hiện ở những địa chỉ phòng khám răng uy tín với bác sĩ có kinh nghiệm hoặc thực hiện ở bệnh viện.
Nếu kết quả chụp X–quang và kiểm tra răng cho thấy răng khôn mọc ngầm nhưng không gây ảnh hưởng đến các răng kế cận thì bác sĩ sẽ thực hiện tiểu phẫu để giúp răng khôn trồi lên và mọc thẳng. Bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khôn mọc lệch ngầm nếu có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Nếu đã xác định phải nhổ bỏ răng khôn thì thời điểm lấy bỏ răng khôn phù hợp nhất là khi bệnh nhân còn trẻ, vì điều này giúp tránh được các biến chứng và những vấn đề không mong muốn mà sẽ trầm trọng hơn theo thời gian.
Để đảm bảo sức khỏe, chúng ta nên chủ động khám răng định kỳ, đặc biệt là trong thời kỳ mọc răng khôn để theo dõi tình trạng phát triển của răng, tránh tình trạng xuất hiện biến chứng nguy hiểm do răng khôn gây ra.