Hà Nội

Răng khôn mọc kẹt

03-05-2015 13:53 | Y học 360
google news

Thuật ngữ “mọc kẹt” có nghĩa là cái răng đó không có đủ chỗ để mọc lên bình thường hoặc hướng mọc của cái răng đó bị nghiêng làm cho nó không mọc lên được.

Răng khôn là răng mọc sau cùng trên cung hàm hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba, thường bắt đầu mọc từ tuổi 17 trở đi (nếu còn đủ chỗ sau răng số 7). Mỗi người có bốn răng khôn ở bốn góc hàm, tuy nhiên cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm. Trong bài viết này chỉ đề cập đến răng khôn hàm dưới vì răng khôn hàm dưới hay bị mọc kẹt.

Răng khôn mọc kẹt 1

Phân loại răng khôn mọc kẹt

1. Loại thường gặp nhất là mọc kẹt về phía gần, tức là trục của răng nghiêng về phía trước (về phía răng số 7).

2. Mọc kẹt theo chiều thẳng đứng.

3. Mọc kẹt nghiêng về phía xa (phía sau).

4. Mọc kẹt nằm ngang.

5. Mọc kẹt trong niêm mạc miệng: răng bị lợi che phủ (lợi trùm).

6. Răng kẹt trong xương hàm: răng vẫn bị bọc kín bởi xương hàm và không mọc ra được.

Những lý do nào?

Lý do thông thường nhất là do không đủ chỗ ở sau răng số 7, vì răng số 7 thường mọc khoảng từ 12 - 13 tuổi, trước răng khôn ít nhất 5 năm, và vì sự không tương xứng giữa kích thước răng hàm và kích thước răng làm cho răng khôn là răng mọc sau cùng sẽ không có đủ chỗ.

Có giả thuyết cho rằng: thời đồ đá con người nhai thức ăn thô và cứng làm mòn răng không chỉ ở mặt nhai mà còn ở điểm tiếp xúc giữa các răng làm cho kích thước các răng nhỏ đi, do vậy khi răng khôn mọc lên thì vẫn đủ chỗ. Còn ngày nay, do chế độ ăn thức ăn mềm và nhiều dinh dưỡng nên răng ít hoạt động và mòn ít nên kích thước răng không bị nhỏ đi, cộng với việc xương hàm ít hoạt động nên xương hàm nhỏ đi, hai lý do này làm cho răng khôn ở người hiện đại khó mọc lên  bình thường. Con người thời tiền sử phải nhai thức ăn cứng và nhai nhiều nên răng có nguy cơ vỡ hoặc mất răng, mỗi khi có một răng mất đi thì răng phía sau sẽ di chuyển ra phía trước làm tăng kích thước khoảng trống cho răng khôn mọc lên. Con người thời hiện đại ít có nguy cơ vỡ răng hay mất răng vì ít khi nhai cứng và được các nha sĩ chăm sóc răng.

Các nguy cơ của răng khôn mọc kẹt

Dắt thức ăn và vi khuẩn ở vị trí răng khôn mọc lệch sẽ dẫn đến hôi miệng và dễ bị sâu răng khôn.

Răng khôn mọc kẹt có thể gây viêm nhiễm do thức ăn bị dắt không làm sạch được hoặc do sang chấn vào lợi. Viêm nhiễm làm bệnh nhân bị đau, lợi sưng đỏ mềm, chảy dịch, có thể chảy mủ, viêm nhiễm vùng răng khôn có thể gây sưng amidan, hạn chế há miệng, bệnh nhân khó nhai, nuốt, ảnh hưởng đến cuộc sống, làm giảm khả năng làm việc. Một số người có thể bị biến dạng mặt, viêm nhiễm có thể lan xuống cổ và trung thất (ngực).

Răng khôn mọc lệch về phía gần có thể làm sâu răng số 7 dẫn đến viêm tủy và vỡ răng số 7.

Tạo ra nang thân răng: nang có thể phát triển từ tổ chức phần mềm quanh răng khôn, làm tiêu hủy xương kế cận răng khôn, có thể ảnh hưởng đến răng bên cạnh.

Lý do và việc nhổ răng khôn

Chỉ những răng khôn kẹt nào có nguy cơ gây ra viêm nhiễm hay sâu răng số 7, hoặc có nang quanh thân răng mới cần phải nhổ bỏ, một số trường hợp có thể cắt lợi trùm nếu răng khôn mọc thẳng và có đủ chỗ ở góc hàm. Một số người sợ nhổ răng khôn và muốn dùng thuốc, tuy nhiên thuốc kháng sinh và giảm đau chỉ điều trị nhất thời, trong tương lai bệnh nhân sẽ bị đau lại.

Nhổ răng khôn: bệnh nhân cần được tiêm thuốc tê để mất cảm giác hoàn toàn ở quanh vùng răng khôn, một số trường hợp có thể  gây mê nếu răng khôn kẹt hoàn toàn trong xương hàm, bệnh nhân không được ăn trong vòng 6 giờ trước khi gây mê. Việc nhổ răng khôn kẹt bắt đầu với việc rạch và tạo vạt lợi để bộc lộ vùng phẫu thuật, răng khôn có thể được lấy ra nguyên vẹn hoặc cắt làm nhiều phần nếu kẹt vào răng số 7. Sau khi răng khôn được lấy ra, dìa xương ổ răng khôn cần được làm nhẵn, rửa sạch bằng nước muối, oxy già, betadin rồi khâu đóng vạt lợi, nếu là chỉ không tiêu thì sau 5 ngày bệnh nhân cần quay lại để cắt chỉ. Bệnh nhân cần được cắn gạc từ 15 - 20 phút.

Sau khi nhổ răng khôn: nếu bệnh nhân được chích thuốc tê thì có thể về ngay sau khi nhổ răng xong kèm theo một đơn thuốc gồm thuốc giảm đau, chống sưng nề, có thể thêm kháng sinh nếu bác sĩ lo ngại nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân được gây mê thì phải chờ tỉnh táo hoàn toàn và phải có người đưa về cũng kèm theo đơn thuốc như trên.

Bệnh nhân không được súc miệng quá mạnh trong vòng 24 giờ vì có thể làm bong cục máu đông làm chảy máu, sau khi ăn chỉ cần đánh răng và súc nhẹ nhàng bằng nước muối nhạt, không nên dùng đồ ăn nóng và cay vì sẽ làm tăng phản xạ đau và dễ chảy máu, có thể ngậm nước đá để máu nhanh cầm. Bệnh nhân không được uống rượu và hút thuốc trong ngày đầu tiên vì sẽ làm chậm liền vết thương và dễ chảy máu.

Các khó chịu có thể xảy ra sau nhổ răng: bệnh nhân có thể mệt mỏi do thuốc tê hay thuốc mê, có thể rỉ máu trong vòng 12 giờ từ vết nhổ, là một lượng máu rất nhỏ nhưng có thể làm bệnh nhân lo lắng, có thể sưng nhẹ vùng góc hàm trong 4 ngày, có thể đau và cứng hàm trong vài ngày, những vấn đề này sẽ tự hết.

Biến chứng: một số ít trường hợp nhổ răng khôn có thể xảy ra biến chứng như là dị ứng thuốc tê, mê dẫn đến xỉu, ngất và cần được điều trị bằng thuốc chống sốc. Bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng do giữ vệ sinh răng miệng không tốt hoặc do thủ thuật của bác sĩ không vô trùng, trường hợp này cần dùng kháng sinh. Bệnh nhân có thể bị tê bì nửa hàm dưới sau nhổ răng do tổn thương dây thần kinh răng dưới, để phòng tránh bác sĩ cần xem kỹ vị trí ống răng dưới trên phim X-quang để tránh làm tổn thương dây thần kinh. Bác sĩ không có kinh nghiệm có thể làm tổn thương răng số 7 bên cạnh.

ThS. LÊ LONG NGHĨA

 


Ý kiến của bạn