Răng khôn là răng nào? Có nên nhổ răng khôn?

02-09-2022 14:11 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Răng khôn (còn gọi là răng số 8) là răng mọc cuối cùng của hàm, chúng hay xuất hiện trong độ tuổi 17-25. Hiện răng khôn gây ra nhiều tranh cãi do chức năng của chúng không rõ ràng trong khi lại gây nhiều phiền toái, khó chịu cho bệnh nhân.

Phần lớn hàm của chúng ta chỉ đủ chỗ cho 28 răng: 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Thông thường, mỗi người có 4 chiếc răng khôn sẽ mọc vào thời gian 18-25 tuổi trở lên khi các răng vĩnh viễn khác đã ổn định. Vì vậy, răng khôn dễ bị mọc lệch, mọc ngầm và kẹt trong xương hàm.

Trên thực tế, không phải ai cũng mọc đầy đủ 4 răng khôn. Nhiều trường hợp chỉ mọc 1, 2, 3 răng khôn, thậm chí không mọc chiếc nào.

1. Dấu hiệu nào cho thấy răng khôn đang mọc?

Khi mọc răng khôn, người bệnh sẽ có các dấu hiệu:

- Đau nhức quanh lợi. Ngay khi răng bắt đầu nhú lên, người bệnh sẽ cảm thấy ê nhức từ bên trong. Răng càng nhú lên thì cơn đau càng dữ dội và kéo dài.

Lúc đầu đau nhức sẽ xuất hiện quanh vùng lợi mọc răng. Trong trường hợp răng mọc lệch sẽ làm đau răng hàm bên cạnh và các vùng lân cận.

- Sưng lợi: Khi mọc răng khôn người bệnh thấy hàm của mình nặng nề hơn và gặp khó khăn trong việc cử động cơ miệng gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp. Thậm chí nuốt nước bọt cũng đau và nhiều khi không mở được hàm.

- Đau nhức đầu và có thể sốt: Sốt nhẹ là dấu hiệu phổ biến khi mọc răng khôn. Những cơn đau nhức, sưng tấy là nguyên nhân gây sốt, tuy nhiên khi răng đã ổn định những cơn sốt cũng sẽ biến mất nhanh

- Chán ăn: Đau nhức, mệt mỏi khiến bệnh nhân chán ăn, không nhai được. Bên cạnh đó, khi thức ăn không may đụng vào phần lợi đang sưng sẽ gây ra cảm giác đau buốt và không muốn ăn.

Răng khôn là răng nào? Có nên nhổ răng khôn? - Ảnh 2.

Răng khôn hay gây viêm lợi, viêm nha chu.

2. Mọc răng khôn có thể sẽ dẫn đến biến chứng gì?

- Viêm lợi trùm: Do răng mọc lệch, không đúng chỗ khiến việc vệ sinh làm sạch bị cản trở hoặc khó khăn. Điều này rất dễ gây viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng và có thể tạo túi mủ áp xe.

Viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến phá hủy xương xung quanh răng và các răng bên cạnh. Đặc biệt trong trường hợp nặng sẽ gây viêm xương hàm và nhiễm trùng huyết.

- Sâu các răng kế bên: Răng khôn mọc lệch bị kẹt tựa vào răng kế gây sâu răng này và răng cối lớn thứ 2.

- Nang thân răng: Các răng khôn mọc ngầm trong xương có thể tạo thành nang thân răng tiến triển âm thầm. Nếu không được điều trị, xương hàm sẽ bị tiêu dần dần.

- Chen chúc răng: Răng khôn mọc lệch có thể làm các răng khác chen chúc nhau.

- Khít hàm: Răng khôn mọc lệch thường kèm theo nhiễm trùng gây đau, khó ăn nhai và khó cử động hàm.

- Gây sâu răng: Răng khôn mọc lệch sẽ tạo ra những khe giắt thức ăn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng khôn và có thể lan truyền sang răng bên cạnh.

- U nguyên bào men: Là trường hợp hiếm gặp. Phương pháp điều trị thường là phải cắt đoạn xương hàm.

3. Có cần nhổ răng khôn?

Nên nhổ răng khôn trong trường hợp:

  • Răng khôn mọc lệch, ngầm gây nhiễm trùng, đau, khít hàm, viêm sưng… và ảnh hưởng đến những răng lân cận
  • Răng mọc lệch khiến việc ăn nhai bị cản trở
  • Răng khôn mọc thẳng và đủ chỗ, tuy nhiên không có răng đối diện ăn khớp gây nhồi nhét thức ăn dẫn đến loét nướu hàm đối diện
  • Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở nhưng hình dạng bất thường cũng dễ gây sâu răng và viêm nha chu.
  • Theo yêu cầu của chỉnh hình và phục hình.

Việc nhổ dự phòng răng khôn hàm dưới mọc lệch, mọc ngầm có thể giúp tránh được những tai biến đau nhức cho người bệnh. Khi nhổ răng khôn cần đi khám chuyên khoa. Bác sĩ sẽ dựa trên phim X-quang để xác định vị trí, chiều thế và phương pháp nhổ thích hợp.

Với những trường hợp sau thì không nhất thiết phải nhổ răng khôn:

  • Răng khôn mọc thẳng, không gây biến chứng khó chịu.
  • Bệnh nhân có bệnh như tiểu đường, tim mạch, rối loạn đông máu...

4. Nhổ răng khôn có nguy hiểm?

Nhổ răng khôn là thủ thuật khá đơn giản và không nguy hiểm. Tuy nhiên, cần thực hiện ở các địa chỉ uy tín tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

- Vệ sinh không đảm bảo gây nhiễm trùng: Thông thường là do dụng cụ nhổ răng không đảm bảo, phòng phẫu thuật khử trùng chưa đúng tiêu chuẩn. Nhiễm trùng có thể khiến bệnh nhân bị đau nhức dữ dội 1-2 tuần.

- Chảy máu kéo dài, khó cầm máu: Hay gặp ở những người bị rối loạn đông máu và một số trường hợp hút thuốc lá, uống rượu bia ngay sau khi nhổ

- Tổn thương dây thần kinh: Biểu hiện thường là ngứa ran, tê các khu vực lưỡi, môi, căm và nướu. Biến chứng này không nguy hiểm và có thể tự khỏi sau vài tuần.

- Viêm xương ở ổ răng: Là khi các cục máu đông không thể hình thành sau khi nhổ răng. Khi gặp biến chứng này bệnh nhân sẽ cảm thấy đau liên tục 5-6 ngày kèm theo đó là tình trạng đau tai, hơi thở có mùi…

Răng khôn là răng nào? Có nên nhổ răng khôn? - Ảnh 4.

Nên chải răng đúng cách và thường xuyên đề phòng biến chứng răng khôn.

5. Lời khuyên bác sĩ

  • Khi răng khôn xuất hiện, cần chăm sóc răng miệng thường xuyên và đúng cách. Tránh để thức ăn bám ở vị trí răng khôn gây sâu răng hoặc nhiễm trùng.
  • Hạn chế ăn những thức ăn quá cứng, quá dai.
  • Đặc biệt chú ý khi mọc răng khôn mà đau nhức thì nên đến nha khoa để được thăm khám và chụp X-quang kiểm tra tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Đau vùng góc hàm, nam thanh niên 26 tuổi tưởng mọc răng khôn nhưng hóa ra bị nang răng sinh sừngĐau vùng góc hàm, nam thanh niên 26 tuổi tưởng mọc răng khôn nhưng hóa ra bị nang răng sinh sừng

SKĐS - Bị đau và hơi sưng ở chân răng số 7, nam thanh niên 26 tuổi ở Hà Nội nghĩ rằng mình mọc "răng khôn". Tuy nhiên, kết quả đánh giá chuyên sâu các bác sĩ phát hiện thanh niên này bị nang răng sừng hoá.


BS. Nguyễn Như Hà
BV Đại Học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn