Răng khôn hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba là răng mọc muộn nhất vào lúc 18 đến 25 tuổi. Chính vì răng này mọc vào tuổi trưởng thành nên người ta hay gọi là “răng khôn” chứ không phải là răng có khả năng giúp cho sự trưởng thành của con người.
Khi răng khôn mọc thường gây ra những biến chứng như: đau, viêm tổ chức phần mềm quanh răng khôn, viêm xương và màng xương, viêm hạch – áp xe hạch dưới hàm, làm tổn thương răng số 7 bên cạnh, nang xương hàm dưới… Do vậy, trên thực tế nhiều bệnh nhân phải can thiệp nhổ bỏ răng khôn.
Ngày nay, dù kỹ thuật nhổ răng khôn đã được cải thiện rất nhiều, rút ngắn thời gian mỗi ca nhổ, ít gây chảy máu trong và sau nhổ, bệnh nhân không đau khi nhổ răng, can thiệp mở xương tối thiểu do răng đã được cắt và chia nhỏ hợp lý. Nhưng nhổ răng khôn vẫn là một thách thức, là một kỹ thuật khó đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề vững vàng, nắm vững quy trình các bước kỹ thuật, có sự chuẩn bị đầy đủ cho bệnh nhân (thăm khám kỹ, chỉ định nhổ răng đúng, làm các xét nghiệm cần thiết, chụp phim XQ răng miệng) trợ thủ và dụng cụ trang thiết bị cần thiết.
Trên thực tế chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân sợ nhổ răng khôn vì họ cho rằng nhổ răng khôn rất đau, biến chứng về thần kinh... chính vì vậy làm cho răng khôn gây ra nhiều biến chứng nặng nề ở các giai đoạn bệnh khác nhau và ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt hay gặp ở tuổi từ 30 đến 40 tuổi.
Đã có nhiều thống kê chỉ ra rằng nên nhổ răng khôn vào “tuổi vàng” từ 18 đến 20 tuổi là tốt nhất, sở dĩ như vậy là khi bệnh nhân được khám định kỳ và chụp phim Xquang răng miệng người thầy thuốc phát hiện được răng khôn mọc bất thường có nguy cơ biến chứng, để phòng những nguy cơ này cần phải nhổ răng khôn sớm. Vì ở lứa tuổi này răng khôn mới mọc, chưa hoặc ít gây biến chứng và cơ thể chúng ta khỏe mạnh, xương ở răng đang phát triển nên dễ nhổ răng hơn, lành thương sau nhổ răng nhanh.
TS. Nguyễn Phú Thắng