Ê buốt răng hay còn gọi răng nhạy cảm là hiện tượng răng có triệu chứng ê buốt khi ăn uống các loại thực phẩm chua, ngọt, hoặc nóng lạnh... Nguyên nhân do nhiều yếu tố như vỡ và rạn nứt răng, mòn răng do nghiến răng, ăn nhiều thực phẩm chứa axít, sâu răng... Đôi khi sử dụng nước súc miệng hằng ngày trong thời gian dài cũng là yếu tố nguy cơ khiến răng nhạy cảm vì trong nước súc miệng có chứa axít. Nhưng có lẽ, một trong những nguyên nhân hay gặp nhất là do chải răng không đúng cách dẫn đến tụt lợi và tổn thương mất men tại cổ răng. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường bị tổn thương trên nhiều răng với các mức độ khác nhau ở cả hai hàm.
Biện pháp điều trị đầu tiên là người bệnh cần hạn chế các yếu tố nguy cơ, sau đó tùy vào tình trạng răng miệng và độ nhạy cảm ngà răng để đưa ra phương pháp điều trị cho từng trường hợp. Cụ thể không đánh răng quá mạnh và không đưa ngang bàn chải, nên dùng bàn chải lông mềm, thay bàn chải 3 tháng/lần, chải răng nhẹ nhàng lên xuống. Răng nhạy cảm cần tăng cường chất lượng yếu tố bảo vệ (men răng, ngà răng) như sử dụng kem đánh răng chuyên dụng, thuốc bôi hoặc nước súc miệng tại có chứa thành phần chất bảo vệ răng như fluoride, potassiumnitrate... Đồng thời người bệnh nên hạn chế sử dụng các thực phẩm gây kích thích tủy răng hoặc dùng máng ngậm trong trường hợp nghiến răng, chữa và hàn các răng sâu... Đối với bệnh nhân bị mòn răng tùy vào vị trí và mức độ mà bác sĩ sẽ phục hồi men răng bằng các vật liệu thay thế. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn có lẽ do để tổn thương quá nặng đã có hiện tượng tụt lợi, vì vậy có thể phải được ghép tổ chức bù lại phần lợi bị tụt để che phủ chân răng và cổ răng, để tránh mòn tổ chức cứng của răng. Nếu không cải thiện thì phải tiến hành điều trị tủy. Bạn nên đến khám ở phòng khám nha khoa để bác sĩ giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
BS. Trần Mạnh Toàn