Hà Nội

Răng ê buốt, nhạy cảm gây nhiều khó chịu

17-08-2020 21:31 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Răng nhạy cảm là tình trạng ê buốt ở răng để phản ứng lại với một số tác nhân kích thích. Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc kéo dài và xảy ra ở một hoặc nhiều răng hoặc toàn bộ răng.

Nguyên nhân gây răng nhạy cảm

Răng nhạy cảm do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu do tình trạng hư hại men răng. Một số người bẩm sinh có răng nhạy cảm hơn những người khác do lớp men răng mỏng hơn bình thường hoặc do lớp men răng bị mòn đi theo thời gian do: chải răng quá mạnh, sử dụng bàn chải lông cứng, gây ảnh hưởng đến lớp men răng và ngà răng từ đó tạo điều kiện cho axit tấn công và gây cảm giác ê buốt. Tụt lợi cũng khiến cho phần chân răng bị lộ ra và không được bảo vệ gây tình trạng răng nhạy cảm.

Nguyên nhân nữa của răng nhạy cảm là do ngà răng bị lộ ra. Ngà răng là lớp vật chất phía trong của răng, thường được bao bọc và bảo vệ bởi men răng. Khi ngà răng tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống trực tiếp, chúng gây ra một cơn đau nhức nhẹ và cảm giác đau nhói tới tận chân răng. Các tổn thương thông thường và sự mòn răng có thể làm cho lớp men răng bị mỏng đi, đặc biệt là phần cổ răng, ở đường viền lợi. Khi lớp men răng bị mất đi, lớp vật chất bao quanh chân răng cũng mất. Lúc này ngà răng mang theo các ống thần kinh nhỏ bị lộ ra. Khi phải tiếp xúc với các mức nhiệt độ khác nhau qua thức ăn và nước uống, chúng gây kích thích dây thần kinh gây đau và cảm giác khó chịu.

Ăn hoặc uống đồ ăn hoặc đồ uống có tính acid: Acid là tác nhân hàng đầu gây hư hại men răng, ngà răng từ đó gây sâu răng và tình trạng răng nhạy cảm.

Do trào ngược thực quản dạ dày (GERD), liệt dạ dày: Những bệnh này khiến đẩy axit dịch vị dạ dày lên phía trên khoang miệng làm thay đổi pH môi trường, gây huỷ khoáng và buốt răng.

Nguyên nhân gây ê buốt răng.

Nguyên nhân gây ê buốt răng.

Các triệu chứng của răng nhạy cảm

Răng nhạy cảm đặc trưng bởi tình trạng đau và nhức răng, ê buốt ở sâu trong răng, nhất là khi ăn đồ ăn, đồ uống nóng, lạnh, chua, ngọt hoặc có tính acid. Cảm giác ê buốt thường không dễ chịu và làm giảm vị giác ở người bị răng nhạy cảm.

Những tác nhân gây răng nhạy cảm gồm: thức ăn nóng, đồ uống nóng, thức ăn lạnh, đồ uống lạnh, không khí lạnh, đồ ăn uống ngọt, đồ ăn có tính acid, đồ uống có tính acid, chải răng và dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng chứa cồn. Những triệu chứng của răng nhạy cảm có thể tự đến và tự hết, mức độ từ nhẹ đến nặng bao gồm: đau răng không rõ nguyên nhân; Chỉ bị nhạy cảm ở một răng; Đau buốt ở răng bị ảnh hưởng; Đau khi cắn hoặc nhai.

Nên làm gì khi bị răng nhạy cảm?

Nếu là lần đầu tiên gặp phải tình trạng này, bạn hãy đi khám để kiểm tra tình trạng của răng để xác định chắc chắn nguyên nhân gây ê buốt răng. Chẩn đoán răng nhạy cảm có thể được phát hiện tình cờ qua một lần làm sạch răng.

Để điều trị răng nhạy cảm cần kết hợp thuốc và vệ sinh răng miệng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nếu tình trạng răng nhạy cảm nhẹ, việc điều trị có thể đơn giản chỉ là uống một số loại thuốc không kê đơn, sử dụng loại kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng nhạy cảm, có chứa các thành phần ức chế sự nhảy cảm của răng giúp giảm cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, nên chọn loại bàn chải lông mềm và chải nhẹ răng.

Nếu răng nhạy cảm do tình trạng bệnh lý gây ra, cần điều trị các bệnh gây ra tình trạng răng nhạy cảm, như điều trị GERD bằng các loại thuốc giảm acid theo chỉ định của bác sĩ.

Tình trạng tụt nướu có thể điều trị bằng cách chải nhẹ răng và duy trì vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nếu có thói quen nghiến răng, thì cần phải bỏ thói quen này.

Cách chăm có răng ê buốt, nhạy cảm

Chăm sóc răng miệng hợp lý: Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày bằng bàn chải mềm và chải răng nhẹ nhàng. Luôn nhớ xỉa răng bằng chỉ tơ nha khoa, bởi chỉ tơ có thể làm sạch những góc mà bàn chải không thể chạm tới được. Súc miệng bằng nước súc miệng sau khi đánh răng.

Thay đổi thói quen ăn uống: Tránh xa các đồ uống chứa nhiều acid, đặc biệt là nước có ga, nước cà chua, cam, chanh. Tránh ăn các thức ăn quá nóng hoặc lạnh. Ăn nhiều thức ăn cay sẽ khiến cho men răng bị mỏng đi dẫn đến sự nhạy cảm. Ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ khiến tuyến nước bọt hoạt động tốt, giúp tạo nên các khoáng chất chống lại quá trình gây nhạy cảm cho răng. Bạn cũng nên ăn các loại rau như các loại đậu, cải bắp, đậu Hà Lan, đậu phộng, quả hạnh nhân.

Tăng cường canxi và uống nhiều nước: Canxi là thành phần không thể thiếu trong việc chống lại các vấn đề về răng. Các thức ăn từ bơ sữa là nguồn canxi lý tưởng, với các lựa chọn như sữa, sữa chua và phomat. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt sau khi ăn, bởi nó giúp làm trôi đi các mảng bám trên răng.


BS. Trần Nghĩa
Ý kiến của bạn