“Răng chắc, miệng thơm” nhờ dinh dưỡng hợp lý

11-08-2019 07:20 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Chăm sóc răng không chỉ đơn thuần là làm sạch răng, mà còn bao gồm cả việc lưu ý đến những loại thực phẩm sử dụng hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng không những giúp tăng cường sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới răng miệng.

Một chế độ ăn cân bằng, hợp lý sẽ cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, bảo vệ cho “răng chắc, miệng thơm”.

Thực phẩm chứa protein (chất đạm)

Protein đóng vai trò quan trọng để hình thành xương hàm trên, hàm dưới và mô quanh răng, hình thành nên khung của men và ngà răng. Protein có trong trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua, đỗ, lạc, gạo, mì; là cơ sở của tất cả các quá trình sống xảy ra trong cơ thể, là thành phần của nhân tế bào, tham gia vận chuyển chất dinh dưỡng và kích thích ngon miệng và nó cung cấp năng lượng khi nguồn từ lipid và glucid không đủ. Đối với răng miệng trước khi mọc răng, nó giúp cho sự hình thành của xương hàm trên, hàm dưới và mô quanh răng, hình thành khung của men răng và ngà răng. Nếu có một sự thiếu hụt protein trong chế độ ăn uống có thể làm chậm sự phát triển của xương và cấu trúc răng. Răng mọc lệch lạc, chen chúc, tăng nhạy cảm với sâu răng, nó có thể làm chậm lành các mô.

“Răng chắc, miệng thơm” nhờ  dinh dưỡng hợp lýNên thường xuyên ăn những thực phẩm giàu canxi.

Thực phẩm chứa canxi

Canxi chiếm 1,5 – 2% trọng lượng cơ thể trong đó 99% tồn tại trong xương, răng, móng. Răng và hàm được cấu tạo chủ yếu từ canxi. Nếu để canxi bị thiếu hụt có thể dẫn đến sâu răng và nguy cơ viêm lợi. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ răng miệng hiệu quả nên thường xuyên ăn những thực phẩm giàu canxi: Rau chân vịt, các loại rau họ cải (cải xanh, cải thìa, cải chip), súp lơ xanh, cá, trứng, các loại hải sản (cá nhỏ có thể ăn cả xương), cua biển, ngêu, sò, tôm, sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua)...

Thực phẩm có chứa vitamin

Vitamin A giúp phòng bệnh quáng gà (khô mắt), duy trì cấu trúc của da và niêm mạc, biệt hóa tế bào, tham gia đáp ứng miễn dịch trong cơ thể. Nếu thiếu trong quá trình hình thành và phát triển răng sẽ làm giảm kích thước răng, hàm; làm tăng khả năng nhạy cảm sâu răng do giảm lượng nước bọt. Nếu tăng vitamin A sẽ làm giảm sâu răng sau mọc răng. Vitamin A có nhiều trong cà rốt, gấc, đu đủ,  ngũ cốc, rau xanh.

Vitamin D có tác dụng hấp thu canxi và phốt pho ở ruột non đồng thời nó còn tham gia vào quá trình tạo độ chắc, bền cho răng. Thiếu vitamin D cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng răng mềm, mọc chậm, mủn, dễ gãy, răng vẩu và xô lệch, ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp thẩm mỹ. Nguồn vitamin D dồi dào từ các nguồn thực phẩm như gan, cá thu, cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, thịt lợn, sữa chua.

Vitamin B1 có tác dụng làm chắc răng, chống sứt mẻ, sâu răng rất hiệu quả. Nó có nhiều trong thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, đỗ xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Vitamin B2 (riboflavin) có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu. Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng giảm đi nhiều qua quá trình xay xát. Vitamin này tham gia chuyển hóa protid, lipid, tái tạo và bảo vệ mô da quanh miệng, tham gia tạo enzym. Nếu thiếu sẽ gây tổn thương niêm mạc miệng, nứt loét kẽ mắt và rụng tóc.

Vitamin B3 (nicacin) có nhiều trong thịt, cá, gia cầm, các loại hạt và trứng. Vitamin B3 tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein cho cơ thể, đồng thời giúp cơ thể phát triển bình thường. Đối với răng nếu thừa vitamin B3 gây sâu răng do kích thích hoạt động vi khuẩn miệng.

Vitamin B6 (pyridoxin) có trong thận lợn, gan, sữa, thịt. thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn, trứng, cá, ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, đậu nành, đậu hạt, lạc, cà rốt, cải bắp, súp lơ, chuối, dưa hấu... Vitamin B6 có tác dụng làm giảm sâu răng. Thiếu vitamin B6 gây rối loạn thần kinh và bệnh ngoài da.

Vitamin C rất cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào. Vitamin C tham gia vào quá trình hình thành, tái tạo và củng cố các tế bào răng. Các thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh, trái cây tươi, các loại củ, ngũ cốc, khoai lang...

Thực phẩm chứa flour

Chất flour có tác dụng ngấm vào men răng làm cho răng cứng chắc hơn, ngăn cản sự phá hủy của axit trong thức ăn, từ đó tránh được sâu răng, mòn cổ răng.  Thức ăn giàu flour gồm cá, sữa tươi, gan, trứng.

Thực phẩm chức lipid (chất béo)

Chất béo có trong dầu động thực vật, bơ, mỡ lợn, cá, phomat, socola, lòng đỏ trứng. Lipid là nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể dưới dạng mỡ, cung cấp năng lượng và rất cần cho cấu trúc màng tế bào, giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thu sinh tố A, D, E, K, tạo cảm giác ngon miệng, kích thích ăn ngon.

Tinh bột

Có trong gạo, mì, củ, đường mật, nguồn năng lượng chính, chiếm 60 - 70% tổng năng lượng calo của cơ thể. Vai trò của thành phần này là xây dựng cấu trúc tế bào, mô cơ thể, chuyển hóa lipid, cung cấp chất xơ để tạo cảm giác ăn no, hấp thu chất có hại. Tinh bột có thể gây sâu răng nếu không biết sử dụng hợp lí, đặc biệt là đường sacharose vệ sinh răng miệng kém sẽ gây nguy cơ sâu răng cao.

Ngoài ra, cơ thể còn cần các loại chất khoáng gồm: Sắt, phốtpho, mangan, magie, kẽm, đồng, iod, kali, selen, molypden... có nhiều trong thịt, cá, trứng, rau quả. Các chất khoáng này là thành phần men xúc tác phản ứng sinh học, tham gia tạo máu. Các khoáng chất này giúp cho quá trình khoáng của men răng, xương răng và xương. Nếu thiếu sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.


BS. Nguyễn Trọng Hưng
Ý kiến của bạn