Ngày 15/12, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ngãi - Nguyễn Văn Hân cho biết, sau khi khảo sát, các chuyên gia bước đầu nhận định, nhiều khả năng do đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 khiến mực nước dâng cao cuốn loài rắn này từ khu vực đồi cao về đồng bằng gần với khu dân cư. Tại đây, nguồn thức ăn cho chúng như nhái, chuột... lại dồi dào đã tạo điều kiện cho loài rắn này thích nghi, sinh trưởng nhanh. Mỗi lứa chúng đẻ từ 6 đến 12 con, lại không gặp loài thiên địch, nên xuất hiện nhiều bất thường.
Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ đầu tháng 10 đến nay, khoảng 150 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Đây là địa phương có số người bị loài rắn này cắn nhiều nhất khu vực miền Trung. Riêng ba huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ, cơ quan chức năng cùng người dân đã ra quân diệt ít nhất 400 rắn lục đuôi đỏ trong hai tháng qua.
Tại Bình Định, loài rắn này không chỉ xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, thị xã An Nhơn mà còn gia tăng bất thường ở TP Quy Nhơn gây hoang mang cho người dân.Thống kê của bệnh viện đa khoa Bình Định, hai tháng qua đã tiếp nhận khoảng 57 người bị rắn cắn, chủ yếu do loài rắn lục đuôi đỏ. Ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc bệnh viện cho biết, riêng TP Quy Nhơn có đến 17 ca.
"Phần lớn bệnh nhân bị rắn cắn vào viện sớm được truyền huyết thanh để chống độc. Nhờ điều trị kịp thời nên không có người biến chứng rối loạn chức năng hô hấp, suy thận", ông Mỹ nói và cho biết các cơ sở y tế đã in hình rắn lục đuôi đỏ tuyên truyền trực quan cho người dân cách phòng tránh, sơ cứu.
Trước đó, ngày 12/12, Bộ Y tế khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần rửa vết thương; cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Đồng thời không chích rạch tại vết cắn; có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc rồi nhanh chóng đưa tới các khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức chống độc.
Để phòng rắn cắn, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà. Trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn nên áp dụng. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.
Hiện, Viện văcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ.
Theo VnExpress