Hà Nội

Rắn lục cắn tăng mạnh trong mùa mưa

25-12-2014 13:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Tại vùng Đông Nam bộ, những loại rắn nguy hiểm ngoài rắn lục là chàm quạp, hổ mèo (không gây chảy máu, nhưng gây sưng nề tại chỗ, hoại tử thịt)

Những ngày gần đây, người dân ở một số địa phương hoang mang vì rắn lục tấn công nhiều người. Đề phòng rắn cắn và có biện pháp sơ cứu đúng là điều quan trọng.

Ngày 7/12, PGS. TS Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (BV. Chợ Rẫy), trung bình mỗi năm, Việt Nam có 30.000 ca nhập viện vì rắn cắn. Tại BV Chợ Rẫy, 492 ca trong 779 trường hợp rắn cắn nhập viện trong năm 2014 là vì rắn lục. Vào những tháng mùa mưa, khoa Bệnh Nhiệt đới có thể tiếp nhận điều trị trung bình 7 - 10 ca/ngày. Phần lớn bị rắn cắn trong khi đi lao động. Điển hình như ông phan Ngọc Thời (55 tuổi, Bình Dương) do chủ quan chỉ đi dép lê khi dọn vườn nhà, đạp chân lên đám lá khô và bị rắn lục cắn. Ông Thời nhập viện ngày 6/12, trong tình trạng chân sưng to, đau nhức.

Tại vùng Đông Nam bộ, những loại rắn nguy hiểm ngoài rắn lục là chàm quạp, hổ mèo (không gây chảy máu, nhưng gây sưng nề tại chỗ, hoại tử thịt), hổ đất, cạp nong (suy hô hấp, tổn thương tế bào thần kinh, phải thở máy vài ba tháng), hổ chúa, sải cổ đỏ. Rắn hổ đất tập trung ở khu vực đồng bằng sông cửu long (suy hô hấp, ngưng thở). Một số trường hợp bị rắn cắn không nhận diện được loài rắn nào.

Rắn lục ở phía nam gồm có rắn lục xanh đuôi đỏ, rắn chàm quạp (tập trung ở vùng cao su). BS. Bính cho biết, khi khám cho bệnh nhân, nếu hai dấu răng nhỏ đỡ ngại, nhưng hai dấu răng cách nhau xa, đầu rắn rất to, nọc rắn rất nhiều. Con rắn chưa ăn mồi, bao nhiêu độc sẽ tuôn hết vào người bị cắn. Biểu hiện có thể là: đau nhức, hạch vùng, chảy máu, bóng nước ít, hoại tử. Triệu chứng toàn thân: chảy máu răng lợi, đi tiểu ra máu, rong kinh - rong huyết, huyết áp thấp... Rắn lục thường hoạt động vào ban đêm, thường cắn ở tay, chân, hoặc thỉnh thoảng vào mặt. Điều đáng lo ngại, bệnh nhân bị rắn cắn lại đi thầy thuốc nam, dẫn đến nhập viện trong tình trạng nặng: truỵ tim, xuất huyết trong cơ, xuất huyết não, suy thận.

PGS. Trần Quang Bính đang thăm khám cho một bệnh nhân bị rắn cắn
PGS. Trần Quang Bính đang thăm khám cho một bệnh nhân bị rắn cắn

BS. Bính khuyến cáo, sơ cứu ban đầu bao gồm: trấn an bệnh nhân, rửa sạch vết thương băng nước sạch hay xà phòng, băng ép cố định chi bị cắn bằng nẹp gỗ, hay băng treo bằng băng vải, băng ép đủ chặt (rắn hổ), hạn chế hay làm chậm nọc độc di chuyển trong hệ tuần hoàn; đối với nọc rắn bắn vào mắt phải được rửa sạch bằng nước muối. Rạch vết thương do rắn lục cắn có thể gây chảy máu nghiêm trọng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, và tăng khả năng nọc rắn xâm nhập cơ thể. Đắp lá cây hay các thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể gây hại nhiều hơn lợi: nhiễm trùng.

Phòng ngừa bằng cách khi đi lao động cần đội mũ rộng vành, mang ủng, sử dụng cây khua vào đống lá hoặc bụi cây để xua rắn đi. Ngoại trừ rắn hổ chúa chủ động tấn công người, những loài rắn khác thường tránh đi. Trong vòng một, hai ngày, bệnh nhân cần được đưa vào các cơ sở y tế để được điều trị huyết thanh. Tại TP.HCM, những nơi điều trị rắn cắn: BV. Chợ Rẫy, BV. Nhi Đồng 1, BV. Nhi Đồng 2...

Tử vong chung do rắn cắn thấp, ngoại trừ có những ca bị rắn lục cắn đi chữa lòng vòng hết 2 tuần, vào viện khi rối loạn đông máu nặng nề, xuất huyết não.100% ca rắn lục cắn nếu nhập viện sớm chỉ cần nằm 2 - 3 ngày. Hiện nay, Việt Nam là một trong 4 nước sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn: rắn lục, rắn chàm quạp; riêng rắn hổ chúa và rắn hổ đất phải nhập huyết thanh. Với rắn cắn, liều huyết thanh dùng cho trẻ tương đương người lớn, liều dùng không cố định.

KHÁNH ANH

 


Ý kiến của bạn