Hà Nội

Răn đe Triều Tiên Mỹ trở lại với chính sách can dự toàn cầu?

16-04-2017 09:52 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nếu như chính quyền Mỹ áp dụng chiến thuật tấn công vào Syria hôm 6/4 khiến dư luận bất ngờ, thì câu hỏi: liệu Mỹ có tấn công phủ đầu Triều Tiên hay không ?

Nếu như chính quyền Mỹ áp dụng chiến thuật tấn công vào Syria hôm 6/4 khiến dư luận bất ngờ, thì câu hỏi: liệu Mỹ có tấn công phủ đầu Triều Tiên hay không ? sau những căng thẳng đỉnh điểm gần đây vẫn chưa có lời đáp. Song, cách tiếp cận mới trong vấn đề Syria và Triều Tiên cho thấy Washington đang có những điều chỉnh bước ngoặt trong chính sách can dự vào các vấn đề toàn cầu. Nhưng liệu sự điều chỉnh này có thể buộc Triều Tiên lùi bước?

Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần qua công khai cảnh báo về nguy cơ một xung đột « có thể nổ ra bất cứ lúc nào » trên bán đảo Triều Tiên cho thấy rõ tính nghiêm trọng của vấn đề. Thậm chí ông Vương Nghị còn nhấn mạnh rằng “bất cứ ai, nếu gây ra một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên  sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và phải trả giá ». Tuyên bố của ông Vương Nghị được cho là nhằm vào chính quyền Mỹ sau những động thái của Washington, với tuyên bố “sẵn sàng đánh đòn phủ đầu Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân”. Theo các nguồn tin, Mỹ đã điều một cụm tàu sân bay đến Bán đảo Triều Tiên, và hai tàu khu trục có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk đến khu vực này, trong đó một chiếc chỉ cách địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên vài trăm km. Và vì thế, “sức nóng” trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt, khiến dư luận đặc biệt lo ngại.

Thực ra, việc sử dụng các hành động quân sự cứng rắn với những tuyên bố mang tính răn đe là mô tuýp quen thuộc được các chính quyền Mỹ áp dụng. Năm 2003, cựu Tổng thống George W Bush (Bush con) đã áp dụng chính sách này phát động cuộc chiến Iraq khiến cục diện chính trị Trung Đông sa lầy, kéo theo hàng loạt các biến động chính trị tại đây.Triều Tiên lần đầu tiên giới thiệu loại tên lửa Pukkuksong-2 SLBM thế hệ mới.

Triều Tiên lần đầu tiên giới thiệu loại tên lửa Pukkuksong-2 SLBM thế hệ mới.

Năm 2013, cũng vẫn cái cớ chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al Assad sử dùng "vũ khí hóa học" đàn áp lực lượng đối lập, Mỹ đã đe dọa áp dụng biện pháp quân sự với nước này. Khi đó, Nga đã đưa ra sáng kiến tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, tháo ngòi chiến dịch quân sự đó vào phút chót. Song đến nhiệm kỳ này, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dành nhiều ưu tiên cho các vấn đề nối nội-và Mỹ sẽ rút khỏi các vấn đề toàn cầu, cho thấy một lối rẽ khác của nước Mỹ.

Ai kiềm chế được Triều Tiên?

Về lý thuyết là thế, tuy nhiên với việc Mỹ bất ngờ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria hôm 6/4 cùng với những tuyên bố răn đe trong vấn đề Triều Tiên, có vẻ như nhà lãnh đạo Mỹ đang trở lại chính sách can dự trước đây. Trên thực tế, cả Triều Tiên và Syria là  2 điểm nóng mà Nga và Trung quốc đang duy trì nhiều ảnh hưởng. Và nếu giành thế chủ động ở hai mặt trận này, Mỹ sẽ giành được phần nhiều hơn trong miếng bánh lợi ích- qua đó củng cố ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu.

Tham vọng của Mỹ là thế, nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay là chiến thuật “đánh đòn phủ đầu” của Tổng thống Donald Trump liệu có đủ sức răn đe Triều Tiên, buộc Triều Tiên phải lùi bước hay không?

Câu trả lời dường như là “không”. Triều Tiên được cho là khác biệt hoàn toàn so với trường hợp của Syria. Thứ nhất, Triều Tiên có tiềm lực quân sự hùng mạnh với việc sở hữu một trong những kho vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và tên lửa lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia quân sự, Triều Tiên đang sở hữu hơn 5000 pháo và xe tăng, hơn 200 quả tên lửa tầm ngắn và nhiều trang thiết bị khí tài quân sự hiện đại khác. Nếu xung đột nổ ra, 28.000 quân Mỹ ở Hàn quốc, 48.000 quân Mỹ ở Nhật bản có thể trở thành “miếng mồi ngon” cho các loại vũ khí của Triều Tiên.Lính Triều Tiên trong một lễ diễu binh phô trương sức mạnh quân sự

Lính Triều Tiên trong một lễ diễu binh phô trương sức mạnh quân sự

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 15/4, Phó Chủ tịch Triều Tiên ông Choe Ryong-Hae khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp trả một cuộc chiến tranh tổng lực bằng một cuộc chiến tranh tổng lực và Triều Tiên sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân theo cách riêng để đáp trả mọi cuộc tấn công hạt nhân. Trong lễ diễu binh kỷ niệm sinh nhật nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã lần đầu tiên giới thiệu một tên lửa đạn có thể phóng được từ tàu ngầm (SLBM). Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đã phát đi hình ảnh về các tên lửa Pukkuksong-2 SLBM trên các xe tải.

Thứ hai, Triều Tiên có mối quan hệ “gần gũi” với Trung quốc và nếu không có sự hỗ trợ của Trung quốc, Mỹ sẽ khó lòng gây sức ép với Triều Tiên. Trong trường hợp đối đầu quân sự xảy ra, Triều Tiên sẵn sàng tấn công Hàn quốc và Nhật bản. Viễn cảnh một cuộc xung đột mới ở Đông Bắc Á là điều không ai muốn nghĩ tới.

Vậy, kịch bản nào sẽ xảy ra đối với mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên những ngày sắp tới? Rõ ràng, sự lựa chọn hành động của Mỹ sẽ phụ thuộc vào các động thái từ Triều Tiên. Nếu Triều Tiên tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, đó sẽ là một nguy cơ thực sự buộc Mỹ phải hành động. Thời điểm hiện tại, Mỹ đã đệ trình một dự thảo nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên lên HĐBA LHQ. Nếu được thông qua, một lệnh trừng phạt mới sẽ được áp đặt để trừng phạt Bình Nhưỡng. Mỹ có thể thực hiện các biện pháp cấm vận thứ cấp, nhắm tới các công ty và ngân hàng Trung Quốc được cho là đang cung cấp ngoại tệ hay chuyển tiền cho Triều Tiên; đồng thời cân nhắc khả năng áp dụng các hình phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng nếu nước này tiếp tục phóng tên lửa hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Còn nếu bản dự thảo nghị quyết mới không được thông qua, rất có thể một kịch bản tấn công quân sự mới nhắm vào Triều Tiên sẽ được tính đến.

Dù là kịch bản nào, ưu tiên hiện nay giữa các bên vẫn sẽ là đối thoại. Đây là con đường chông gai nhưng cần thiết để giải quyết những căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên; cũng như tránh một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Triều mà không ai muốn có.

Một ngày sau lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 105 ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, sáng sớm nay Triều Tiên đã thử tên lửa. Tuy nhiên, theo BBC, quả tên lửa này đã rơi ngay sau khi rời bệ phóng. Hiện các bên chưa có phản ứng chính thức về vụ việc.


N.Quang
Ý kiến của bạn