Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc , Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một trường hợp người bệnh bị rắn cạp nia cắn.
Theo thông tin từ người nhà người bệnh Triệu Trí Q., sinh năm 1983, trú tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong lúc anh Q đang nằm ngủ thì không may bị rắn cạp nia cắn vào vị trí tai phải. Người nhà đã nhanh chóng sơ cứu rửa sạch vết thương và chuyển ngay đến bệnh viện huyện gần nhà.
Tuy nhiên, tại bệnh viện tình trạng người bệnh diễn biến xấu, cơ hô hấp bị liệt. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển người bệnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá người bệnh bị hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Các bác sĩ đã tiến hành cho người bệnh thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, kiểm soát rối loạn điện giải, dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện để cứu sống người bệnh.
Người bệnh trong tình trạng hôn mê, thở máy may mắn được cứu sống.
Sau khoảng 1 tuần hồi sức cấp cứu tích cực, tình trạng người bệnh đã được cải thiện, người bệnh đã tỉnh và tự thở được, các rối loạn nước, điện giải, tình trạng nhiễm trùng đã được khống chế.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: Những năm gần đây khoa cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Trường hợp bệnh nhân Q. khá may mắn vì được người nhà sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện. Có rất nhiều trường hợp chỉ vì xử lý chậm của người thân mà người bệnh rơi vào tình trạng liệt cơ, dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Qua đây, bác sĩ cũng khuyến cáo: Khi không may bị rắn cắn, người bệnh không nên garo vết thương mà cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch và chuyển ngay đến trung tâm y tế gần nhất để được cứu sống và tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có.
Người bên cạnh nên động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại (vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; Cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.
Tuyệt đối không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc. Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện. Không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch. Không làm các biện pháp khác như: chườm đá, gây điện giật,…