Rác thải nhựa mỗi năm đủ trải quanh trái đất 4 lần

04-06-2018 13:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhân ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa.

Clip Rác thải nhựa sẽ đi về đâu? Nguồn video: Liên Hợp Quốc tại Việt Nam)

Bạn có biết:

300 triệu tấn nhựa

được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới, một nửa trong số đó để tạo ra các sản phẩm sử dụng một lần (túi mua hàng, chai, cốc và ống hút).

Cứ mỗi phút có 1 triệu túi ni lông được sử dụng.
Mỗi năm chúng ta thải ra nhựa đủ trải quanh trái đất 4 lần

Theo thời gian, chất thải nhựa phân hủy dần, thôi ra thành các mảnh nhỏ gọi là vi nhựa, và cuối cùng thường đổ vào các đại dương rồi từ đó có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Ước tính mỗi năm có 8 triệu tấn rác nhựa đổ vào các đại dương trên toàn thế giới (55-60% rác thải này từ 5 quốc gia: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam).

Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia trên thế giới đóng góp nhiều nhất vào lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương.

ô nhiễm nhựa

Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

Vào ngày 4/6, tại Hà Nội, 22 Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tham gia Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa, với sự hiện diện của ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội.

Theo Đại sứ Canada Ping Kitikone, trên thế giới, 300 triệu tấn nhựa thải ra mỗi năm, 8 triệu tấn trôi ra biển, đe dọa sinh vật biển. Nếu không hành động, trong tương lai, nhựa sẽ nhiều hơn cá.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, chủ đề của Ngày Môi trường năm nay ở Hà Nội là giải quyết ô nhiễm nhựa, vì thành phố xanh, kêu gọi cộng đồng loại bỏ chất thải nhựa, phát triển bền vững. Nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị đe dọa, theo công bố LHQ, mỗi năm chúng ta thải ra nhựa đủ trải quanh trái đất 4 lần. Rác thải nhựa, túi nylon, hộp nhựa, cốc,…. đang de dọa môi trường và sức khỏe con người. Hà Nội và tp HCM đang đối mặt với biến đổi khí hậu. Hà Nội tập trung và tiêu dùng tiết kiệm, bền vững, tái chế chất thải nhựa, kiểm soát ô nhiễm khí và nước, hướng tới nền kinh tế thấp carbon.

Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

Việt Nam là một trong 5 quốc gia có rác thải nhựa lớn nhất. Việc đưa ra Bộ quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa góp phần xây dựng Hà Nội thành thành phố đáng sống, một Việt Nam xanh và hòa bình.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới năm nay là bảo vệ hành tinh xanh, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tư vấn nhiều chính sách quản lý thu gom chất thải nhựa; tăng cường triển khai hoạt động giám sát, thu gom chất thải nhựa; tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân loại bỏ nylon; tuyên truyền các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tuyên truyền người dân hướng tới nói không với nylon.

Chiến dịch trực tuyến #Giảm-thiểu-rác-thải-nhựa

Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Chiến dịch này, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi - ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách – giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.

Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

Lễ ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

Lễ ký Quy tắc ứng xử là một điểm nhấn trong Chiến dịch vận động chống ô nhiễm nhựa, một chiến dịch chung của các đại sứ quán và đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam. Sau lễ ký là hội thảo bàn tròn về vấn đề ô nhiễm nhựa, trong đó các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và các nhà hoạt động môi trường sẽ thảo luận về những thách thức trong việc giảm chất thải nhựa và đề xuất các phương pháp giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa.

Chiến dịch trực tuyến #Giảm-thiểu-rác-thải-nhựa đã được phát động trên các nền tảng truyền thông xã hội của các tổ chức tham gia ký Quy tắc ứng xử, nhằm kêu gọi hành động chung của cộng đồng giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày và tại nơi làm việc.


Bích Vân
Ý kiến của bạn