Video toàn cảnh rác thải bủa vây bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 hiện đại nhất Hà Nội
Rác thải ngập đường vào bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 hiện đại nhất Hà Nội
Ghi nhận của PV Báo sức khỏe & Đời sống trong sáng 9/10, dọc tuyến đường ngõ 587 Tam Trinh (thuộc phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt ngập tràn ven đường, có đoạn rác chất cao đã tràn xuống lòng đường gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, làm xấu mỹ quan đô thị.
Đáng chú ý, đường Tam Trinh lại là đoạn nối trực tiếp tới bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 hiện đại nhất Hà Nội. Việc rác thải tràn đường, tồn đọng nhiều ngày không chỉ làm xấu đi hình ảnh của 1 đô thị xanh, sạch, đẹp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân.
Trao đổi với PV báo Sức khỏe & Đời sống ngay trong sáng 9/10, ông Trương Thanh Tâm, Chủ tịch UBND phường Yên Sở cho biết đơn vị đã nắm được thông tin báo chí phản ánh, trước đó cũng đã kiểm tra và dọn dẹp nhưng nhiều đối tượng vẫn cố tình đổ trộm (rác thải chủ yếu là đất đá, vật liệu, phế thải xây dựng).
"Chính quyền địa phương đang phối hợp với bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 để có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng đổ trộm rác thải. Trước mắt chúng tôi sẽ cử đơn vị đến để dọn dẹp rác thải còn tồn động và sẽ có thông tin tới báo chí ngay khi công việc hoàn thành", ông Tâm nói.
Hình ảnh rác thải tràn ngập dọc tuyến đường đi vào bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 hiện đại nhất Hà Nội
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm và hình thức xử phạt khi vi phạm các quy định trong bảo vệ môi trường đối với từng cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, tại Điều 235 bộ luật Hình sự 2015 năm sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định rất rõ việc xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, mức phạt thấp nhất đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật (chất thải có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm) bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trong khi đó, hình thức xử lý cao nhất đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng, phạt tù tối đa 7 năm và đình chỉ hoạt động tối đa 3 năm.
Xem thêm video được quan tâm:
Chủ tịch thành phố Hà Nội muốn "biến" các bãi rác ám ảnh người dân thành công viên.