Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, chiều 17/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp về xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Quy chế bệnh viện là khung pháp lý quan trọng đối với nhiệm vụ quản lý bệnh viện, hệ thống khám bệnh chữa bệnh của Bộ Y tế nói chung và của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói riêng. Quy chế Bệnh viện 1997 gồm 5 phần, có 153 quy chế và quy định là một bộ tài liệu đồ sộ, là khung pháp lý quan trọngđối với công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Việc rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện là một nhiệm vụ quan trọng mà Cục đã và đang thảo luận, nghiên cứu triển khai.
Hiện nay, nhiều quy định trong Quy chế bệnh viện năm 1997 đã được thay thế dưới các Thông tư, Nghị định và một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Ví dụ: Thông tư số 13/2012/TT-BYT ngày 20/8/2012 hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức (về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động gây mê - hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có gây mê - hồi sức): Bãi bỏ: Khoản 12 về khoa phẫu thuật gây mê – hồi sức thuộc Phần V Quy chế công tác một số khoa, Khoản 31 về trưởng khoa phẫu thuật gây mê - hồi sức và Khoản 53 về bác sỹ gây mê - hồi sức thuộc Phần II Quy chế nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân quy định tại Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực;
Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 31/01/2008 ban hành Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc (Bãi bỏ Mục 2, phần IV Quy chế Bệnh viện 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.)
Thông tư số: 17/2022/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2022 quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bãi bỏ Quy chế công tác khoa Tâm thần quy định tại khoản 7 Phần V Quy chế bệnh viện
Thông tư Số: 22/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện, chức trách, nhiệm vụ của các chức danh trong khoa Dược bệnh viện: và thay thế quy định về "Quy chế công tác khoa Dược", "Dược sĩ phụ trách kho và cấp phát", "Dược sĩ pha chế thuốc" và "Trưởng khoa Dược" trong Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế bệnh viện.
Thông tư số 33/2016/TT-BYT 19 tháng 09 năm 2016 của Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định tổ chức và hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện: Bãi bỏ Mục 42 về "Trưởng khoa vi sinh" trong Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế bệnh viện hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành…..
Tuy nhiên, vẫn còn một số điều cần bổ sung và thay thế cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, cần phải xây dựng Ban chỉ đạo rà soát, đánh gía về Quy chế bệnh viện do Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực khám, chữa bệnh làm trưởng ban, các thành viên khác là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, đại diện các bệnh viện của Bộ Y tế, trong đó phải có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Cục quản lý Dược và Cục quản lý Khám, chữa bệnh vì những nội dung liên quan đến hoạt động và tổ chức, bộ máy của các bệnh viện.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trước mắt Cục sẽ dự thảo và trình lãnh đạo Bộ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, sửa đổi Quy chế bệnh viện; Xây dựng kế hoạch triển khai và phân công đầu mối các lĩnh vực nhóm: tổ chức bệnh viện do Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, các quy chế về Dược do Cục Quản lý Dược; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối sẽ cùng các Vụ Cục chỉnh sửa, xây dựng dự thảo văn bản quy định Quy chế bệnh viện mới trình lãnh đạo Bộ ban hành.