Rà soát lại về thể chế liên quan đến quản lý, đăng ký, tự công bố thuốc, thực phẩm, sữa

07-05-2025 12:03 | Y tế

SKĐS - Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra, điều tra và phát hiện một số vụ việc liên quan sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh thông tin này tại cuộc họp trực tuyến và trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương về vấn đề thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả do Bộ Y tế tổ chức sáng nay - 7/5.

"Tại sao đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn... vẫn xảy ra các vụ việc thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả và sữa giả"?

Rà soát lại về thể chế liên quan đến quản lý, đăng ký, tự công bố thuốc, thực phẩm, sữa- Ảnh 1.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Thủ tướng đã liên tục ban hành 3 công điện tăng cường thanh kiểm tra, xử lý, xử lý nghiêm các đối tượng vi pham liên quan sản xuất, tiêu thụ sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả. 

Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý thực phẩm chức năng, thuốc điều trị theo phân công.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị để xem xét, đánh giá tình trạng, thực tế sản xuất, buôn bán, lưu thông, sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc trên địa bàn cả nước. Mục đích đưa ra giải pháp để làm sao trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ, bài bản hơn để siết chặt công tác quản lý từng khâu một, từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Về thể chế trong lĩnh vực quản lý thuốc, theo Thứ trưởng, chúng ta đã có luật Dược (2006), Quốc hội vừa thông qua Luật Dược sửa đổi (2024) có hiệu lực từ ngày 1/7), Bộ Y tế cũng được giao nhiệm vụ tham mưu Chính phủ ban hành 1 nghị định và 7 thông tư liên quan. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta có luật an toàn thực phẩm, nghị định hướng dẫn luật…

Thứ trưởng đặt câu hỏi tại sao Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, của cơ quan quản lý chuyên môn, của các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp… mà vẫn xảy ra các vụ việc như vừa rồi. Các vụ việc này đã và đang được cơ quan điều tra của Bộ Công an và công an một số tỉnh thụ lý điều tra làm rõ sai phạm theo quy định.

Vì thế, Thứ trưởng yêu cầu rà soát lại xem về thể chế có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì để các văn bản chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện.

"Về tổ chức thực hiện, trách nhiệm là của các địa phương. Các tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuốc, an toàn thực phẩm trên địa bàn như thế nào mà để xảy ra những vụ việc như vừa qua. Việc phân cấp, phân quyền đã được quy định rõ, trách nhiệm của các bộ, UBND các tỉnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, buôn bán, lưu thông, thuốc, thực phẩm chức năng…", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến ý thức của nhà sản xuất, nhà quản lý, của người dân. "Trong khâu tổ chức thực hiện, các bộ ngành chỉ mang tính chất hướng dẫn thể chế, tổ chức thực hiện là của các địa phương, thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân… 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân yên tâm sử dụng, giá cả hợp lý, đặc biệt không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, lấy người dân làm trung tâm"- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.

Rà soát lại về thể chế liên quan đến quản lý, đăng ký, tự công bố thuốc, thực phẩm, sữa- Ảnh 2.

Các điểm cầu tham dự hội nghị.

Các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để

Báo cáo của Cục Quản lý Dược tại hội nghị cho thấy, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và đã đạt được nhiều tiến bộ (tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng giảm thấp). 

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để; còn có những vụ việc xảy ra như vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện vừa qua.

Triển khai công tác quản lý chất lượng, đấu tranh chống thuốc giả, Bộ Y tế cho biết, hàng năm, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đồng thời có các công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg:

Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành trong công tác phòng chống thuốc giả. Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, trong đó hai bộ sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình phức tạp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Các vụ việc bắt giữ thuốc giả trong năm 2023, 2024 đều có sự tham gia của ngành y tế (các vụ việc tại Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội).

Rà soát lại về thể chế liên quan đến quản lý, đăng ký, tự công bố thuốc, thực phẩm, sữa- Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng báo cáo về công tác quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Bộ Y tế đã tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ VH TT và DL nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả.

Đối với các trường hợp phát hiện các sản phẩm y tế được quảng cáo bất hợp pháp trên mạng internet, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa Thông tin, thể thao và du lịch để có biện pháp xử lý; có các văn bản gửi Bộ Công thương về việc quản lý kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử.

Cùng đó, hàng năm, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Thanh tra Bộ ) đã xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất. Cụ thể: Kiểm tra điều kiện kinh doanh, duy trì đáp ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn bán lẻ thuốc: Bộ Y tế tiến hành kiểm tra định kỳ trên 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc:

Năm 2024, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền triển khai 80 đoàn kiểm tra GMP, tạm dừng hoạt động một phần của 01 cơ sở; 90 đoàn kiểm tra GSP tại các cơ sở nhập khẩu. Thanh tra Bộ đã triển khai 50 đoàn thanh tra về lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là trên 2, 5 tỷ đồng.

Tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả là thực phẩm qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới vẫn diễn biến phức tạp. 

Rà soát lại về thể chế liên quan đến quản lý, đăng ký, tự công bố thuốc, thực phẩm, sữa- Ảnh 4.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long báo cáo về: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, đảm bảo sự an toàn và quyền lợi cho người dân.

Các sản phẩm giả thường được sản xuất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, và chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Hằng năm, thông qua công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó một số vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu hành ngoài thị trường khi chưa được công bố, giả nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ, giả về chất lượng… Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý. 

Chỉ trong đầu năm 2025 đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố, điển hình như: vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.

Để đảm bảo công tác quản lý an toàn thực phẩm hằng năm, Cục An toàn thực phẩm đều tham mưu cho Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương xây dựng và triển khai theo kế hoạch; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng. 

Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn...

Rà soát lại về thể chế liên quan đến quản lý, đăng ký, tự công bố thuốc, thực phẩm, sữa- Ảnh 5.

Một quảng cáo sữa giả bị phát hiện.

Bộ Y tế lại tiếp tục nhắc tập trung thanh kiểm tra, phát hiện sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giảBộ Y tế lại tiếp tục nhắc tập trung thanh kiểm tra, phát hiện sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

SKĐS - Theo Bộ Y tế, thời gian qua tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả có diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả, mì chính giả, dầu ăn giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả… gây hoang mang dư luận. Trước tình trạng trên, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu tập trung thanh, kiểm tra.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn