Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry và Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, sở, ngành liên quan của 13 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Rà soát, điều chỉnh Chương trình phù hợp hơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, việc phê duyệt và triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là quyết sách lịch sử của Đảng và Nhà nước ta. Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình đã được bố trí gần 115 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình MTQG để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Tuy nhiên, với quy mô rộng lớn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nên trong quá trình triển khai thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định tổ chức các Hội nghị sơ kết 3 năm để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc; đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể đối với các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của Chương trình đã được phê duyệt.
Trước đó, ngày 26/6, tại tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình khu vực phía Bắc. Ngày 30/6, tại TP. Nha Trang, Ủy ban Dân tộc tiếp tục tổ chức Hội nghị cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm bao gồm những khó khăn, vướng mắc tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021- 2025) tại các địa phương; Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2024, 2025 để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn; Kiến nghị về cơ chế, chính sách, đặc biệt là điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024 - 2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, để Chương trình đạt được mục tiêu đề ra, Quốc hội cho phép Chính phủ rà soát điều chỉnh, đồng thời cũng xác định những mảng yếu, những đòi hỏi của thực tế để thiết kế một chương trình phù hợp hơn cho giai đoạn 2026-2030: "Tất cả phải làm sao để đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dù ở đâu cũng được hưởng các chính sách phù hợp".
Chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai trong giai đoạn tới
Theo báo cáo, khu vực Nam Bộ gồm 13 tỉnh với 308 xã, chiếm khoảng 9% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước. Tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn, chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn.
Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam Bộ là hơn 2,277 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình.
Trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay Nam Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng ngập mặn, đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình.
Tại Hội nghị, các đại biểu nêu thực trạng và đề xuất những vấn đề về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS; tháo gỡ vướng mắc trong việc giải ngân vốn…
Sau khi kết thúc hội nghị sơ kết 3 năm, đại biểu tiếp tục tham gia Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030 nhằm thảo luận việc lồng ghép mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2030 cũng như nội dung, cơ chế triển khai Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Xem thêm video đang được quan tâm
Miền bắc lại nắng nóng gay gắt kéo dài, mực nước hồ thủy điện sẽ ảnh hưởng thế nào?