Ra quân tổng lực kiểm tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm và Tết Tân Sửu

25-12-2020 21:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 3 tháng đầu năm 2021, sẽ có 6 đoàn liên ngành của Trung ương kiểm tra tại 12 tỉnh, thành trọng điểm. Viện kiểm nghiệm phải trả kết quả ngay, để xử lý vi phạm, tránh sản phẩm kém chất lượng được đưa đi tiêu thụ. Còn tại các địa phương, thành lập các đoàn kiểm tra cấp tỉnh, thành phố, cấp quận, huyện và cấp xã, phường.

Về tiến trình thực hiện, từ ngày 8/1 đến 1/2, các đoàn liên ngành của Trung ương sẽ kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết Lễ hội năm 2021. Còn tại địa phương, các đoàn sẽ thanh tra, kiểm tra chủ động trước, trong, sau Tết và lễ hội tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương từ ngày 15/1 đến 12/3/2021.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 từ 1/1 đến 20/3/2021. Với mục tiêu bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã (phường), tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có các yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Tại cuộc họp về công tác đảm bảo ATTP dịp Tết, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, cho biết, đợt kiểm tra nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, nên sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân.

Các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có các yếu tố nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn.

 an toàn thực phẩm Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn.

Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Về câu hỏi quản lý thế nào với sản phẩm đông lạnh vì nguy cơ lây nhiễm COVID-19, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết: Các cơ quan chức năng đã khẳng định không có bằng chứng virus SARS-CoV-2 lây từ thực phẩm qua người. Do đó, tiêu chí đó không phải là điều kiện để nhập khẩu. Để phòng chống dịch COVID-19, Cục ATTP khuyến cáo các nhà ăn tập thể tổ chức ăn theo ca, không ăn đông người; các nhà hàng không phục vụ khách quá đông; những người phục vụ nấu ăn nếu bị ho, sốt phải nghỉ và đi xét nghiệm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.

Cục trưởng Cục ATTP cũng cho biết, đối với thực phẩm sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết, sẽ do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, cơ quan chức nặng hậu kiểm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm ăn chộp giật, sản xuất các sản phẩm kém chất lượng, bán cho người tiêu dùng.

“Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, nếu vi phạm sẽ xử lý hành chính, thậm chí trường hợp phức tạp sẽ chuyển cơ quan điều tra”- Cục trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn