Ra mắt “Tiếng chuông trên đỉnh cô Thình” và “Thúy Mầu”

28-10-2014 14:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ngày 28/10 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tác giả Trịnh Minh Hiếu đã giới thiệu đến bạn đọc hai tập truyện ngắn: Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013); Thúy Mầu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014),

Từ một cô giáo dạy văn, bằng lòng yêu và quyết tâm theo đuổi sáng tác, sau nhiều nỗ lực và nghiêm túc lựa chọn thể loại, Trịnh Minh Hiếu đã viết nhiều truyện ngắn thú vị, gây chú ý cho độc giả. Hiện nay Trịnh Minh Hiếu là một cán bộ công chức đang làm việc tại Bộ VH-TT&DL. Trong truyện ngắn của chị, sự hấp dẫn của câu chuyện thường nằm ở những phát hiện tinh ý về đời sống thế tục, ở tiếng cười ẩn giấu và khả năng tổ chức ngôn từ linh hoạt. Ngoài đời sống một công chức, giờ đây Trịnh Minh Hiếu đang thực sự hạnh phúc với công việc viết văn.

Hai tập truyện ngắn mới được ra mắt bạn đọc của tác giả Trịnh Minh Hiếu

Hai tập truyện ngắn mới được ra mắt bạn đọc của tác giả Trịnh Minh Hiếu

Trong buổi ra mắt hai tập sách, Trịnh Minh Hiếu chia sẻ, các tác phẩm chị viết được lấy chất liệu từ cuộc sống thực tại, ý tưởng đến một cách bất chợt, chị viết như để chia sẻ suy nghĩ của bản thân cũng như với những ai đến với tác phẩm của chị để tìm sự đồng cảm. Phần khác nữa, trước đây chị từng công tác trong môi trường văn chương (Khoa Viết văn – Báo chí), được tiếp cận và học hỏi nhiều từ các nhà văn, nhà thơ có tiếng trong làng văn đến đứng lớp cho các sinh viên theo học tại đây. Chính những yếu tố đó đã tạo nên những xúc cảm trong tâm hồn, thôi thúc chị cầm bút sáng tác.

Tác giả Trịnh Minh Hiếu (áo trắng)

Tác giả Trịnh Minh Hiếu (áo trắng)

Nhà thơ Dương Thuấn cho rằng, các tác phẩm của Trịnh Minh Hiếu là một sự đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Cách chị sử dụng ngôn ngữ rất điêu luyện, tác phẩm nào cũng bật lên ý tưởng nghệ thuật lôi cuốn người đọc. Đối với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông cũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng trong việc sáng tác của Trịnh Minh Hiếu. Để có được hai tập truyện ngắn chỉ trong thời gian cách nhau năm một, cho thấy Trịnh Minh Hiếu đã làm việc một cách say sưa. Mỗi ngày qua đi, các tác phẩm của chị tốt và hay hơn nhiều. Nhà văn trẻ Phạm Thanh Thúy (vốn trước đây là học trò của Trịnh Minh Hiếu tại khoa Viết văn – Báo chí) lại nhận định, ngoài việc mắc lỗi “sa đà vào kể lể”, ham “giải thích” khiến một số truyện ngắn bị “giáo điều”, nhảy ra bên lề trọng tâm câu chuyện… thì truyện ngắn Trịnh Minh Hiếu, văn chương dẫu có đa đoan, vẫn luôn nhân hậu và chân thành.

Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, truyện ngắn của Trịnh Minh Hiếu hầu hết đều có “hồn”, mang hơi thở cuộc sống với đầy đủ đề tài: tình yêu, thân phận con người, chiến tranh…Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cũng nhận xét thẳng thắn: “Có một số truyện của Trịnh Minh Hiếu chưa phải là truyện ngắn, cũng không phải tản văn hoặc ký, là thể loại gì đó rất khó định dạng. Nếu Trịnh Minh Hiếu chắt chiu và chọn lọc kĩ hơn thì các tác phẩm sẽ có chất lượng cao hơn nữa”.

Bài, ảnh: Hoa Quỳnh

 


Ý kiến của bạn