Ra mắt nhiều tác phẩm đặc sắc về Hà Nội

10-10-2018 10:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hà Nội từ lâu đã đi vào thơ - ca - nhạc - họa, điện ảnh... với nhiều tác phẩm xuất chúng. Không đứng ngoài cuộc, Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng hiện diện trong không ít vở diễn với nhiều cách thể hiện khác nhau. Song dễ dàng nhận thấy, nhiều vở diễn đã tái hiện một Hà Nội hào hùng, kiên cường, lịch lãm... tạo nên cảm xúc khó quên với người xem.

Vừa qua, vở kịch nói Ngôi nhà trong thành phố (tác giả Xuân Trình; NSND Lê Hùng đạo diễn) do Nhà hát kịch Hà Nội biểu diễn được khán giả đánh giá cao. Ngôi nhà trong thành phố được ví như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Vở diễn lấy bối cảnh năm 1968 - 1970, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đưa máy bay B52 phá hoại Hà Nội. Bà giáo không tên tiễn Phước - con trai thứ hai lên đường nhập ngũ, trong khi con trai cả chiến đấu ở Quảng Trị vẫn bặt vô âm tín. Phước trở thành niềm tự hào của gia đình, trường học, thành phố. Anh ra đi, để người bạn gái - ca sĩ Thúy Hà và Nhâm - cô bạn thân thời thơ ấu, ôm mối tình đơn phương với anh...

Ngôi nhà trong thành phố - vở kịch đặc sắc về Hà Nội thời chiến vừa ra mắt khán giả tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 8 (2018).

Ngôi nhà trong thành phố - vở kịch đặc sắc về Hà Nội thời chiến vừa ra mắt khán giả tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 8 (2018).

Chưa đầy hai giờ đồng hồ nhưng Ngôi nhà trong thành phố cùng với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thu Hà, nghệ sĩ Phú Thăng, Hoàng Sơn, Thanh Hương, Mạnh Hưng, Ngọc Quỳnh, Thúy An, Thiện Tùng, Diễm Hương, Mạnh Cường, Xuân Hồng, Tiến Huy... đã tái hiện sự bi tráng, oai hùng của Hà Nội và con người Hà Nội. Vở kịch gây xúc động khi gợi nhớ những tháng ngày Hà Nội bị Mỹ ném bom phá hoại. Tiếng máy bay luôn ù ù trên đầu, bom xả bất kể ngày đêm, vào bến xe, bệnh viện, nhà máy. Cả thành phố sơn đen để bảo vệ nhà máy điện, người Hà Nội chấp nhận hy sinh diện mạo, vẻ đẹp lãng mạn bên ngoài để bảo vệ cái chung. Những nhân vật như bà giáo, Phước, Thông, Nhâm, ca sĩ Thúy Hà, bác Điềm... đều mang những nỗi niềm riêng nhưng khi Tổ quốc cần, tất cả đều một lòng vì Thủ đô, vì đất nước. Đồng thời, vở diễn cũng đã tái hiện không khí náo nức của lớp lớp thanh niên ra mặt trận qua cảnh các tân binh tập trung lên đường. Đặc biệt, vở kịch sử dụng một số đoạn nhạc ngắn của Chopin, Mozart... tạo nên nét lãng mạn, tình tứ. Trong khi đó, ca khúc Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) xuyên suốt vở kịch đã khắc họa một Hà Nội anh hùng nhưng không kém phần hào hoa. Trên tất cả, Ngôi nhà trong thành phố lan tỏa thông điệp: Bom đạn chiến tranh có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm.

Trước đó, vở kịch nói Những người con Hà Nội (kịch bản Phạm Văn Quý, NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn) để lại nhiều ấn tượng khó quên với người xem. Những người con Hà Nội lấy bối cảnh Hà Nội mùa đông năm 1946, khi Pháp xâm lược trở lại và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được phát đi. Cả Hà Nội khi đó đã trở thành chiến lũy. Những người con ưu tú của Hà Nội, trong đó có những trí thức đều tham gia cuộc chiến này. Thông qua những nhân vật kiến trúc sư Hoàng Dương, vợ chồng bác sĩ Nhân, nữ sinh Khánh Linh, Ba Hổ, nhạc sĩ Sơn Ca, ca nương Kiều Lam, cậu bé Tèo... vốn là những tầng lớp khác nhau nhưng đều có một tình yêu chung dành cho Hà Nội và tình yêu đó đã khiến họ không ngại chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Thủ đô.

Bên cạnh đó cũng cần nhắc tới vở Người Hà Nội (tác giả PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng) của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Vở kịch bắt đầu từ câu chuyện một đội nữ văn công Hà Nội vào chiến trường phục vụ bộ đội. Không may, Hương Ly - cô ca sĩ nổi tiếng của đội bị thương, bị rơi vào một bệnh viện dã chiến của địch... Vở diễn này khép lại và tỏa đi ý nghĩa sâu sắc khi đề cao vai trò của những người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Cùng với đó, nỗi nhớ - tâm tình - văn hóa - vẻ đẹp Hà Nội được hòa quyện ngọt ngào qua những vai diễn, truyền tới khán giả một tình yêu da diết với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Không đi vào Hà Nội thời chiến như các tác phẩm kể trên, vở kịch hát Hà Nội xưa và nay do Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn từ cuối năm 2017 lại có cách làm mới lạ khi tổng hòa của nhiều loại hình biểu diễn như hát, múa, trình diễn, sắp đặt với một câu chuyện riêng được kể xuyên suốt. Ở đó là những câu chuyện nối dài, gợi cho nhiều người nhớ về Hà Nội của một thời thanh bình, mộc mạc với những tiếng rao, tiếng tàu điện... của Hà Nội xưa, những nét đẹp văn hóa Tràng An qua các phần trình diễn xẩm chợ, hát ả đào. Bên cạnh đó, vở kịch hát còn khắc họa được những chuyển mình, thay đổi của Hà Nội để trở thành một đô thị văn minh, thanh lịch, không ngừng phát triển.

Có thể nói, những vở diễn kể trên đã thể hiện tình yêu và sự trân trọng của nghệ sĩ nói riêng, người dân cả nước nói chung với một Hà Nội có bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng - Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam!


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn