Ngày 12/6, tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương diễn ra hội nghị ra mắt Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ ba. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự và phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý là một trong những mục tiêu chung cơ bản của Luật Dược và Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10/01/2014.
Cùng với sự phát triển của Khoa học công nghệ và kinh tế xã hội, hiện nay, số lượng, chủng loại và nguồn gốc thuốc ở Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng và phong phú.
Sự ra đời của nhiều thuốc mới đã mang lại lợi ích to lớn trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng song cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn.
Hơn nữa, cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học, mô hình bệnh tật và định hướng điều trị một số bệnh cũng thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, việc hướng dẫn cho cán bộ y tế nói riêng và nhân dân nói chung biết sử dụng thuốc hợp lý, tránh những tác hại do thuốc và sử dụng thuốc không đúng gây nên là điều hết sức cần thiết.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cùng các đại biểu tại hội nghị ra mắt Dược thư Quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ ba
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Dược thư Quốc gia Việt Nam ra đời từ năm 2002, từ đó đến nay, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Dược thư ngày càng được khẳng định và nâng cao. Dược thư đã được xây dựng dựa trên một phương pháp hợp lý, một quy trình chặt chẽ, khoa học, với một đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Việt Nam.
Với các thông tin trong mỗi chuyên luận thuốc khá đầy đủ, bao gồm các hướng dẫn về chỉ định, chống chỉ định, thận trọng khi dùng thuốc, hướng dẫn về liều lượng cách dùng, về tác tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc, về dược lực học dược động học….
Dược thư Quốc gia Việt Nam không những là cẩm nang trong công việc hàng ngày của các thầy thuốc, cán bộ y tế là tài liệu tham chiếu quan trọng cho các hoạt động liên quan đến sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh mà Dược thư còn là tài liệu pháp lý hữu ích đối với hầu hết các lĩnh vực y tế như công tác quản lý, công tác điều trị, đào tạo, nghiên cứu, thậm chí là giúp cả trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất thuốc.
"Tôi tin rằng đây sẽ là một tài liệu rất đáng tin cậy, có giá trị thực tiễn cao, cung cấp những thông tin quan trọng, khách quan về thuốc, để các thầy thuốc tra cứu, cân nhắc trước khi quyết định kê dơn và chỉ định dùng thuốc cho mỗi người bệnh cụ thể" - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Trung tâm Dược điển – Dược thư Việt Nam nghiên cứu tiếp tục trình Bộ Y tế sớm thành lập Hội đồng Dược thư Quốc gia Việt Nam lần bốn. Đồng thời, nghiên cứu đưa vào Dược thư Quốc gia Việt Nam 4 thuốc sinh học và thuốc sinh học phân tử đây là xu hướng của thế giới; Nghiên cứu làm Dược thư Quốc gia phiên bản sách điện tử để tiện tra cứu trên internet…
Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ ba, gồm 2 tập, với khoảng 750 dược chất trong số hơn 1000 dược chất hiện diện trong hơn 10000 dược phẩm đang được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam, bao gồm các thuốc có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam; Danh mục các thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và một số thuốc chuyên khoa.
So với Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ hai, trong lần xuất bản thứ ba này, Dược thư Quốc gia Việt Nam đã bổ sung thêm 102 chuyên luận mới, bao gồm 2 chuyên luận chung và 100 chuyên luận thuốc. Bên cạnh đó, 46 dược chất cũng được rút khỏi danh mục do không còn hoặc rất ít được sử dụng ở Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến độ ổn định và bảo quản không còn được đề cập trong từng chuyên luận riêng mà được viết thành một hướng dẫn trong chuyên luận chung "Độ ổn định và bảo quản thuốc".
Một thay đổi khác là mục Tên thương mại đã được rút bỏ do tên thương mại của các dược chất có mặt trên thị trường Việt Nam thay đổi liên tục.
Độc giả có thể tra cứu thông tin này trên trang thông tin của Cục Quản lý Dược: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index.