Việc chính thức thành lập Chi hội Bệnh Tĩnh mạch Việt Nam là động thái thiết thực trước cảnh báo về "nguy cơ tim mạch" bắt đầu từ đôi chân lâu nay bị bỏ quên.
Bệnh Tĩnh mạch – mảnh ghép thường bị bỏ sót trong bức tranh tim mạch
Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên lần thứ IV của Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam (VNVDA) diễn ra tại thành phố Huế trong hai ngày 06–07/06/2025 đã thu hút sự quan tâm sâu rộng của cộng đồng y khoa, đặc biệt ở lĩnh vực tim mạch – mạch máu. Một dấu mốc quan trọng được ghi nhận: Chi hội Tĩnh mạch chính thức được ra mắt trực thuộc Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam (VNVDA), mở ra một giai đoạn mới trong cách tiếp cận và quản lý bệnh lý tĩnh mạch nói chung, và suy giãn tĩnh mạch (SGTM) chi dưới nói riêng.

Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên lần thứ IV của Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam diễn ra tại thành phố Huế.
Theo các chuyên gia tại hội nghị, SGTM từ lâu bị coi nhẹ do triệu chứng khởi đầu thường chỉ là đau chân, nặng chân tăng nặng về chiều và cuối ngày, chuột rút về đêm khi đang ngủ. Và đặc biệt những triệu chứng này được cải thiện vào sáng sớm hôm sau, làm cho người bệnh chủ quan nghĩ đây là tình trạng mỏi cơ bình thường. Tuy nhiên, bằng chứng y học hiện đại cho thấy đây không đơn thuần là bệnh về chân hay bệnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ – mà là biểu hiện của một quá trình rối loạn tuần hoàn toàn thân, có thể dẫn đến biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu phổi, suy tim, tử vong nếu không phát hiện và xử lý sớm.

ThS.BS Lê Nhật Tiên -Tổng thư ký Hội, Phó chủ tịch thường trực Chi hội Bệnh Tĩnh mạch chia sẻ tại hội nghị.
Trong khuôn khổ hội nghị, các báo cáo chuyên sâu về bệnh lý tĩnh mạch đã được trình bày, đặc biệt là phần chia sẻ của ThS.BS Lê Nhật Tiên -Tổng thư ký Hội, Phó chủ tịch thường trực Chi hội Bệnh Tĩnh mạch "Người mắc SGTM mức độ nặng có nguy cơ cao hơn về các biến cố tim mạch nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh động mạch ngoại biên, và thậm chí là tử vong chung. Tỷ lệ này có thể tăng gấp 3–5 lần, tùy theo mức độ tiến triển của bệnh".
Nguy cơ từ chính thói quen nghề nghiệp: đứng lâu – ngồi nhiều
Một điểm nhấn tại hội nghị là nhận định về yếu tố nghề nghiệp như một trong những nguyên nhân thúc đẩy gia tăng tỷ lệ SGTM tại Việt Nam. Các nhóm lao động đặc thù như giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng, công nhân, nhân viên y tế – đều có đặc điểm phải đứng lâu, ngồi nhiều, trên 4 giờ/ngày. Điều này dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới, gây ứ máu, viêm, giãn thành tĩnh mạch và suy van tĩnh mạch.

PGS.TS. Nguyễn Trung Anh- Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TW- Chủ tịch chi Hội Bệnh Tĩnh mạch Việt Nam
Theo PGS.TS. Nguyễn Trung Anh- Giám đốc viện Lão khoa Trung Ương, chủ tịch Chi Hội Bệnh Tĩnh mạch Việt Nam, một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương (2023) trên nhóm nhân viên y tế cho thấy: 70% người khảo sát có biểu hiện lâm sàng SGTM chi dưới, nhưng chỉ 20% có hiểu biết đúng về bệnh. Cũng theo nghiên cứu, trong nhóm đối tượng được khảo sát, có 19,7% chưa biết gì về bệnh SGTM, 61% biết rất ít về bệnh (chỉ nghe tên, đoán mắc bệnh khi thấy tĩnh mạch (gân xanh) nổi trên chân) và cũng có tới 80,7% chưa từng được khám về bệnh lý SGTM chi dưới. Điều này cho thấy, ngay cả trong đội ngũ nhân viên y tế– nơi có điều kiện tiếp cận kiến thức – nhận thức về bệnh SGTM vẫn còn thấp, dẫn đến khả năng bỏ sót chẩn đoán rất cao trong cộng đồng.

PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Ước – Chủ tịch Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.
Chia sẻ về mục đích thành lập Chi hội Tĩnh mạch, PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Ước – Chủ tịch Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam chia sẻ"Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam luôn đặt mục tiêu kết nối các chuyên ngành – từ nội mạch máu, can thiệp nội mạch, ngoại khoa đến chuyên ngành tĩnh mạch – để cùng xây dựng một chiến lược quản lý bệnh toàn diện. Việc thành lập Chi hội Bệnh Tĩnh mạch Việt Nam là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn đó, và là lời kêu gọi các chuyên gia, bác sĩ và cả cộng đồng y tế hãy cùng hành động vì sức khỏe mạch máu từ những điều nhỏ nhất."
Từ góc độ chuyên môn, việc thành lập Chi hội Bệnh Tĩnh mạch Việt Nam chính là bước đi có tính hệ thống đầu tiên để nâng cao năng lực chuyên ngành, thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu và truyền thông cộng đồng về căn bệnh này. Nhưng xa hơn, đó là một thông điệp rất rõ ràng "Đã đến lúc cần nhìn nhận bệnh lý tĩnh mạch như một phần thiết yếu trong mọi chiến lược điều trị bệnh mạch máu mạn tính. Hãy chủ động tầm soát – điều trị – và truyền thông đến cộng đồng về một bệnh lý tưởng chừng 'nhỏ' nhưng hệ quả rất 'lớn'."
Mọi thông tin và hoạt động liên quan đến bệnh mạch máu và suy giãn tĩnh mạch được cập nhật chi tiết tại website chính thức của Hội bệnh mạch máu Việt Nam https://vnvda.com/
Thu Nguyễn