Đến bây giờ, sau thời gian dài có mặt trên những sàn diễn, Quỳnh Hoa vẫn là một người đẹp, từ gương mặt tươi tắn đến vóc dáng thon thả và nhất là cách ứng xử duyên dáng giàu chất văn hóa của một người Hà Nội gốc.
Sinh ra và lớn lên ở 44 phố Trần Hưng Đạo (Gambetta xưa), gia đình Quỳnh Hoa 4 đời làm giáo học. Cha mẹ cô theo nghề, có thời phải vào Thanh Hóa dạy học nhưng muốn con gái mình thẩm thấu "kỹ càng" chất Tràng An nên đã cất nỗi nhớ vào trong, cho con ở lại với ông bà đất kinh kỳ. Bà của cô, từng là nữ sinh Đồng Khánh, còn ông là sinh viên trường Bưởi, cả hai người đều có cảm tình với âm nhạc phương Tây đã cho cháu gái mình theo nghệ thuật với cây đàn violon. Biết cháu có năng khiếu thanh nhạc, nhưng ông bà của cô muốn cháu mình có một vốn văn hóa âm nhạc nền tảng và mơ ước cô trưởng thành trong nghệ thuật bằng tiếng vĩ cầm. Thế là hàng tuần sau những giờ học ở trường phổ thông, ông bà đưa cháu đến trường Nghệ thuật Hà Nội. Song, mơ ước đã sớm ngừng lại một phần vì thời đó cả nước có đời sống quá khó khăn, phần khác nghệ thuật violin nếu không tu nghiệp ở nước ngoài, quê hương của chính cây đàn đó thì khó đạt tới đẳng cấp nhất định. Thế là Quỳnh Hoa rẽ ngang sang, học đại học văn hóa. Ở đấy cô vừa có thể trở về nghề sư phạm của truyền thống gia đình vừa có thể tiếp cận âm nhạc một cách có hệ thống.
Khi còn tuổi học trò, Quỳnh Hoa chưa biết đến khái niệm nhạc tiền chiến. Khi Quỳnh Hoa trưởng thành cũng là lúc xã hội cởi mở, đổi mới như một cơ duyên đối với lứa ca sĩ lúc đó vừa tròn đôi mơi. Việc bắt đầu được hát trở lại những tình khúc thời tiền chiến từ đầu năm 1988 khiến khán giả và cả nghệ sĩ còn lạ lẫm. Vốn quen nghe những giai điệu hùng tráng, khi được tiếp xúc với những giai điệu lãng mạn, trữ tình Quỳnh Hoa như thấy mình trở về với nguồn ký ức tự nhiên nên cảm xúc luôn tràn đầy trong tâm cảm. Có lẽ nhờ những cuộc tiếp xúc với nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - hai tên tuổi lớn của dòng nhạc này, lại được nghe ca sĩ tài tử Ngọc Bảo hát tác phẩm của các ông, Quỳnh Hoa dường như đã có một quyết định quan trọng cho sự nghiệp ca hát của mình và trở thành ca sĩ hát tình khúc tiền chiến.
May mắn
Quỳnh Hoa có lần tâm sự: "Đến với nhạc sĩ Văn Cao ở 108 Yết Kiêu hay đến với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ở số 9 Cao Bá Quát, lúc nào tôi cũng được giáo dưỡng tự nhiên về cái "thuở bình minh âm nhạc" ấy và dường như được tắm trong cái không khí trong ngần của quá vãng. Dần dà, tôi đã có thể hát những tác phẩm của các ông cho chính các ông nghe. Trong một buổi diễn tại nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tôi đã hát "Cánh hoa duyên kiếp" trong sự hồi hợp và sự đón nhận của người nghe. Khi mọi người vỗ tay tán thưởng, tim tôi như muốn nổ tung vì sung sướng. Còn ở nhà nhạc sĩ Văn Cao, tôi đã hát "Suối mơ" cho ông và các bạn ông thưởng thức cùng ly ruợu cuốc lủi. Nhìn thấy mọi người như chìm vào cõi mơ huyền ảo, tôi cảm động đến ứa nước mắt. Không hiểu vì sao những giai điệu tuyệt vời này của xa xưa mãi đến bây giờ tôi mới được biết."
May mắn, xinh đẹp cộng với tài năng và tố chất văn hóa khiến cho Quỳnh Hoa được đón nhận vào cái "gia đình văn hóa" trong đó có những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt Nam. Qua tiếp xúc với các ông và những người bạn hâm mộ các ông, vốn văn hóa của Quỳnh Hoa càng thêm được bồi đắp. Từ đó, cô nghĩ rằng, để hát được cái "thần" của dòng nhạc này, không thể thiếu một cái nhìn sâu sắc với đời sống, không thể thiếu sự trau dồi mọi mặt để có được một nguồn cảm xúc dồi dào. Và muốn thế, không có cách nào hơn là phải dốc lòng dâng hiến tất cả cho nghệ thuật, và nhất là phải bước qua cái vụ lợi, thì mới có thể bay bổng trong những giai điệu thuần khiết này. Quỳnh Hoa đã tham gia sàn diễn "Khúc hát trữ tình" của nghệ sĩ Khắc Huề ngay từ ngày đầu mở màn. (NSƯT Khắc Huề cũng là giảng viên dạy Quỳnh Hoa môn violon tại trường Nghệ thuật Hà Nội). Cho đến bây giờ đã gần 20 năm trôi qua. Sàn diễn với mức thù lao khiêm tốn vẫn là một địa chỉ văn hoá âm nhạc không thể thiếu được ở Hà Nội.
Không mệt mỏi...
Dòng nhạc thị trường từng chiếm ưu thế bởi những khán giả trẻ ưa sôi động và thích cái mới lạ. Ca sĩ Quỳnh Hoa không vì thế mà nản lòng với con đường đã chọn của mình. Cách đây 2 năm cô ra CD "Về bến mơ" được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ban đầu cô chỉ muốn CD ấy lưu giữ lại những cảm xúc tuyệt đẹp của chính mình trong giai đoạn tu nghiệp đã chín muồi, nhưng được động viên của các nhạc sĩ, đồng nghiệp và người hâm mộ, cô tự tin hơn và thấy điều đó đồng nghĩa với chia sẻ và tôn vinh một dòng nhạc có giá trị này. Một dòng nhạc với những giai điệu một thời xa xưa khiến cho hàng triệu con tim rung động. Cũng như nhạc cổ điển phương Tây, nó sẽ vượt thời gian và tồn tại mãi mãi trong thế giới âm nhạc rộng lớn.
Nếu "Về bến mơ" là một tập hợp 8 ca khúc của các bậc thầy như Văn Cao, Đoàn Chuẩn... và mỗi ca khúc là một câu chuyện nhỏ, thấm đẫm tình người, man mác khí chất kinh kỳ thì với "Tango 09" mới ra mắt gần đây của Quỳnh Hoa là những câu chuyện khác cũng đầy sức hấp dẫn qua giọng hát giàu cảm xúc của cô với: "Tình nghệ sĩ" của Đoàn Chuẩn-Từ Linh "Buồn ơi, chào mi" của Nguyễn Ánh 9, "Bóng ngày qua" của Hoàng Giác, "Bóng chiều xưa" của Dương Thiệu Tước... và những bài song ca với Lê Anh Dũng, Đức Long và Tuyết Tuyết. Đúng như tên gọi của album, 9 ca khúc chủ yếu mang âm hưởng tango, mạnh mẽ nhưng vẫn lãng mạn và gợi cảm...
Thời gian luôn là cái thước đo mọi giá trị. Trong nghệ thuật, thời gian càng có sức công phá vào cái hời hợt, hào nhoáng, Quỳnh Hoa may mắn được thời gian ủng hộ bởi chị là người trầm tĩnh và sâu lắng, chín chắn nhưng không đánh mất cái vô tư ngọt ngào, người một đời trọn mình hiến dâng cho nghệ thuật.
Trần Thị Trường