Chiều 20/4, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, sau khi tỉnh yêu cầu làm lại quy trình, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện đã họp với Thường vụ Đảng ủy hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.
Do 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu trước đây chưa từng có tên gọi chung, nên khi tỉnh yêu cầu làm lại quy trình đặt tên sau sáp nhập để thay cho cái tên Đôi Hậu đã được đưa ra trước đó.
Chính quyền địa phương đề xuất ba tên gọi mới là Quỳnh Phú, Quỳnh Hương và Quỳnh An. Sau cuộc thảo luận, lấy tên xã mới sau sát nhập là xã Quỳnh An. Cũng theo ông Dinh, đây là ý kiến của 2 xã, huyện sẽ có báo cáo, xin ý kiến của tỉnh, sau đó tỉnh có đồng ý hay không mới tính tiếp.
Theo lãnh đạo của hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, tên mới Quỳnh An được cho là phù hợp với cả hai xã, vừa giữ được phần "Quỳnh" là tên gốc, vừa khá đẹp và có ý nghĩa tốt.
Dự kiến từ ngày 3 đến 5/5, hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sẽ tổ chức cuộc thăm dò ý kiến từ cử tri rộng rãi về việc chọn tên mới là Quỳnh An sau quá trình sáp nhập.
Trước đó, Huyện Quỳnh Lưu đã đưa ra đề xuất giữ nguyên tên Quỳnh Đôi sau sáp nhập, nhưng ý kiến này không được xã Quỳnh Hậu ủng hộ vì xã này có diện tích lớn và dân số đông hơn. Về mặt dân số, xã Quỳnh Đôi có khoảng 5.600 người, trong khi đó, xã Quỳnh Hậu có 8.600 người.
Như Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin ngày 9/4, UBND huyện Quỳnh Lưu đã gửi tờ trình báo cáo Tỉnh ủy, UBND và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về việc đặt tên cho 7 xã mới sau quá trình sáp nhập 14 xã. Trong đó, xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu được đề xuất sẽ có tên mới là xã Đôi Hậu.
Quyết định đặt tên này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, vì nhiều người cho rằng "tên Đôi Hậu nghe kỳ kỳ". Nhiều người dân xã Quỳnh Đôi cũng băn khoăn khi tên xã một vùng đất rất nổi tiếng về học hành và khoa bảng bị xóa bỏ.
Sau đó, tỉnh Nghệ An đã không chấp thuận đề xuất của UBND huyện Quỳnh Lưu và yêu cầu huyện tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân về việc đặt tên cho các xã mới sau quá trình sáp nhập, để có phương án phù hợp, tránh máy móc.