Quyết xử phạt “bợm” nhậu lái xe

22-08-2016 8:03 AM | Pháp luật

SKĐS - Đợt ra quân triển khai kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại 4 thành phố lớn đã được các địa phương tích cực thực hiện.

Đợt ra quân triển khai kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại 4 thành phố lớn đã được các địa phương tích cực thực hiện. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã lập các “chốt” gần các quán nhậu để xử lý các “ma men” điều khiển phương tiện giao thông, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đã có trường hợp bị phạt kịch khung

Trong ngày đầu ra quân, theo ghi nhận tại khu vực nội thành Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Hà Nội đã tập trung một lực lượng rất lớn để kiểm tra xử lý về vi phạm nồng độ cồn trên toàn thành phố. Thống kê của Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho thấy, ngày ra quân đầu tiên kiểm tra phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, tại chốt làm việc của tổ công tác thuộc Đội CSGT số 7 trên đường Lê Văn Lương kéo dài, một trường hợp lái xe ôtô có nồng độ cồn trong máu 0,625mg/lít khí thở đã bị xử lý với mức phạt cao nhất là 17 triệu đồng, tước bằng lái xe 5 tháng và giữ phương tiện 7 ngày. Người này cho biết, mình chỉ uống 2 cốc bia trước đó và cảm giác lái xe vẫn bình thường nên rất ngạc nhiên khi phát hiện đã vi phạm. Tương tự, một trường hợp khác khai nhận với lực lượng chức năng cho biết chỉ uống 1 cốc bia nhưng nồng độ cồn đo được là 0,093mg/lít khí thở. Theo đó, mức phạt là 2,5 triệu đồng; tước bằng lái 2 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn 1 người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tại TP. Đà Nẵng, trong những ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã triển khai lập chốt (bắt đầu từ 19 giờ) ở hầu hết các tuyến đường có nhiều quán nhậu, nhà hàng, điểm du lịch, khu vực thường xảy ra TNGT... để kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ngay trong tối ngày đầu tiên ra quân, chỉ trong 1 giờ đồng hồ (từ 19 - 20 giờ) tại khu vực Quảng trường 2/9, Tổ tuần tra xử lý nồng độ cồn đã xử phạt 4 trường hợp người tham gia giao thông vượt quá nồng độ cồn.

Tại TP.HCM, Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM phối hợp cùng nhiều đơn vị liên quan cũng đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Theo đó, trong khung từ 18 - 22 giờ, đơn vị sẽ tuần tra kiểm soát khép kín, có kết hợp hóa trang tập trung nhằm xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm về nội dung nói trên. Căn cứ tình hình thực tế và tình trạng vi phạm, lực lượng này có thể bố trí thêm các tổ xử lý chuyên đề nồng độ cồn trong khung từ 11 - 14 giờ mỗi ngày.

Sẽ duy trì thường xuyên việc kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn

Để thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm có hiệu quả, lực lượng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, các đội đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như bố trí lực lượng mật phục hóa trang tại điểm khu vực quán bia, rượu. Ngay sau khi người uống rời quán, lực lượng này sẽ báo cho tổ công tác tại các chốt tuần tra kiểm soát để dừng xe, kiểm tra. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn như bảo vệ quán rượu, bia ngầm báo cho khách. Do đó, những vị khách này sẽ “cố thủ” tại quán, chỉ đến khi nào lực lượng CSGT rút thì họ mới ra về. Hoặc nhiều người có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng thường gây khó khăn, bất hợp tác với lực lượng CSGT. Như trường hợp tại đường Lê Đức Thọ, Hà Nội, lực lượng CSGT cho biết, một người đàn ông trung niên trong trạng thái say rượu gần như không điều khiển được hành vi, hai chân đi không vững đã né tránh việc phải thổi vào máy đo nồng độ cồn. Người này bỏ luôn xe máy tại chốt CSGT và bỏ đi.

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT, tình trạng uống rượu bia lái xe hiện rất phổ biến ở các thành phố lớn, gây nguy hiểm trực tiếp đến người tham gia giao thông và làm tỷ lệ tai nạn giao thông tăng cao. Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã có hiệu lực, đây là bảo bối, là cơ sở pháp lý để chúng ta làm kiên quyết hơn, mạnh tay với những trường hợp vi phạm giao thông. Việc ra quân không chỉ trong thời gian này mà sẽ duy trì thường xuyên để bảo đảm tình hình an ninh trật tự.

Có thể thấy, văn hóa uống bia, rượu bất kể sáng, trưa, chiều, tối đang là thói quen cố hữu trong đời sống của nhiều người dân. Cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo, đã uống rượu, bia thì không lái xe, thế nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Hy vọng Nghị định 46 với mức xử phạt nặng, đặc biệt là lỗi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ ít nhiều thay đổi được thói quen sử dụng rượu, bia và điều khiển phương tiện để hạn chế những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Nghị định 46 mới ban hành về xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông như sau: Chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở chịu mức phạt 2 - 3 triệu đồng, tước bằng lái xe 01 - 03 tháng. Vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1 lít khí thở thì bị phạt 7 - 8 triệu đồng. Tước bằng lái xe 03 - 05 tháng. Vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 16 - 18 triệu đồng, tước bằng lái xe 04 - 06 tháng.


Thế Vinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH