Hà Nội

Quyết tâm truy bắt Trịnh Xuân Thanh

21-10-2016 11:37 | Pháp luật
google news

SKĐS - “Cảnh sát nhiều nước đã nhận lời phối hợp với lực lượng chức năng Việt Nam truy bắt những đối tượng đang mang lệnh truy nã trốn ở nước ngoài, trong đó có Trịnh Xuân Thanh”.

“Cảnh sát nhiều nước đã nhận lời phối hợp với lực lượng chức năng Việt Nam truy bắt những đối tượng đang mang lệnh truy nã trốn ở nước ngoài, trong đó có Trịnh Xuân Thanh”. Đây là thông tin được Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết mới đây.

Tại hội thảo quốc tế về truy nã tội phạm với sự tham dự của Ban Tổng thư ký Interpol, đại diện Aseanapol, Europol, Trung Quốc, Lào, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Campuchia, Nga, Đức, Czech, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Australia vừa diễn ra tại TP. Hà Nội, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, cơ quan chức năng Việt Nam liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, Canada, Đức, Nga, Séc, Australia, Lào, Campuchia, Trung Quốc... để phối hợp truy tìm những đối tượng đang mang lệnh truy nã trốn ở nước ngoài, trong đó có nghi can Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Xây lắp dầu khí - PVC, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang). Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, đối với Trịnh Xuân Thanh, các nước bạn đều đồng lòng nhận lời cùng với chúng ta truy bắt bằng được dù Thanh có lẩn trốn ở đâu. Trả lời giả thuyết ông Trịnh Xuân Thanh đang lẩn trốn ở những nước chưa có hiệp định hợp tác tương trợ tư pháp với Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, đây là một trong những vấn đề chuyên biệt trong nghiệp vụ, tuy nhiên Công an Việt Nam sẽ bằng mọi cách tìm ra tung tích, dù Thanh trốn ở bất kỳ chỗ nào.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cùng tham dự hội thảo quốc tế về công tác truy nã tội phạm.

Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh được cho là đã trốn và bay sang châu Âu trong lúc đang bị xem xét kỷ luật. Một tháng trước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh bắt tạm giam, khám xét và khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tài liệu điều tra, ông Thanh và nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Ban Bí thư kết luận, ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC. Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam dưới thời điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh đã sử dụng vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con và công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này sản xuất kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên, qua đó phát hiện PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài gây thua lỗ và thất thoát vốn của Nhà nước. Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC tham gia với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn.

Nghi can Trịnh Xuân Thanh trong danh sách truy nã quốc tế của Interpol.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng cho biết, số liệu của Tổng cục Cảnh sát cho thấy, tội phạm tham nhũng, ma túy, khủng bố và lừa đảo... trốn ra nước ngoài đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 9, con số này là trên 1.100 trường hợp, trong đó gần 300 có lệnh truy nã quốc tế. Nghi can phần lớn sử dụng giấy tờ tùy thân giả khi nhập cảnh nên gây khó khăn trong việc truy tìm. Năm 2009, Bộ Công an Việt Nam thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã chuyên trách ở cả cấp Bộ và công an địa phương. Từ khi thành lập đến nay, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Việt Nam phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và các lực lượng chức năng tổ chức xác minh, bắt giữ và bàn giao cho phía nước ngoài 225 đối tượng do các cơ quan chức năng nước ngoài truy nã; bắt giữ và tiếp nhận 160 đối tượng truy nã của Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài...


Thế Vinh
Ý kiến của bạn