Thực hiện “Kế hoạch triển khai tiêm vaccin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccin sởi” của Bộ Y tế, ngành y tế các địa phương đã tập trung nhân lực, vật lực triển khai các biện pháp cần thiết từ chuẩn bị nguồn vaccin, tập huấn cán bộ để đạt kết quả cao nhất... Đối tượng tiêm đợt này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccin sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo quy định. Ghi nhận của phóng viên báo SK&ĐS tại một số địa phương.
Ông Trần Đức Quý, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang: Phấn đấu trên 95% số trẻ được tiêm

Hà Giang đã ghi nhận 71 trường hợp nghi mắc sởi tại 22 xã thuộc 9/11 huyện, thành phố. Một số huyện có số mắc cao như Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Quang. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em từ 1-5 tuổi, các đối tượng này hầu hết chưa được tiêm vaccin sởi. Y tế Hà Giang đã có kế hoạch chủ động chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị triển khai tích cực đợt tiêm vaccin sởi lần này. Theo đó, phải đảm bảo trên 95% trẻ đối tượng được tiêm chủng đồng thời phải đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm. Một trong những công tác vô cùng quan trọng đó là tiến hành các chuyến kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch ở từng thôn bản, tuyến xã và huyện, trong đó làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở người của huyện, xã để bàn bạc các giải pháp và kế hoạch phòng chống dịch là khâu then chốt. Bên cạnh đó, y tế Hà Giang quan tâm là cần rà soát kỹ các cháu bé trong độ tuổi từ 9 tháng đến 2 tuổi và từ 9 tháng đến 5 tuổi không để bỏ sót trẻ. Về vấn đề an toàn khi tiêm, tăng cường mở lớp tập huấn phác đồ chống sốc phản vệ có thực hành để cán bộ thực hành tiêm chủng tự tin và làm tốt công tác tiêm chủng. Công bố các số điện thoại khẩn đồng thời bố trí các điểm cấp cứu luôn có cán bộ y tế ứng trực.
Ông Lường Văn Hom, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái: Rà soát kỹ số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng

Là tỉnh sớm có dịch bùng phát, ngay từ những ngày cận Tết Giáp Ngọ, chúng tôi đã triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp. Kể cả trong những ngày Tết, cán bộ y tế đã bám địa bàn, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, tuân thủ đúng lịch tiêm chủng. Tỉnh tổ chức hai đợt tiêm vaccin sởi bổ sung cho trẻ từ 1 - 15 tuổi tại các xã khó khăn trên địa bàn, nhất là những xã có tỉ lệ trẻ tiêm phòng sởi thấp. Qua hai đợt tiêm đã có gần 2/3 số trẻ trong độ tuổi (khoảng 48.000 trẻ) từ 1 - 15 tuổi ở 218 thôn, bản của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên được tiêm phòng. Đây là những địa phương trước đây có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp, do đó nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Riêng hai huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải đã triển khai tiêm phòng sởi trong năm 2013, những đối tượng còn sót lại sẽ được tiêm bổ sung đợt này. Tỉnh Yên Bái phấn đấu đạt trên 98% trẻ trong độ tuổi trên địa bàn được tiêm phòng sởi. Thời gian qua, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi nên nhiều phụ huynh chủ quan không cho con em đi tiêm phòng, nhất là đối với gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 350 ca mắc bệnh sởi, trong đó đã có 1 trẻ tử vong do biến chứng. Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh sởi nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương tích cực tuyên truyền vận động các gia đình có con em trong độ tuổi đến các cơ sở y tế để tiêm phòng. Các địa phương đã tổ chức tiêm phòng trong năm 2013 cũng cần rà soát và tiêm bổ sung nhằm không để dịch bùng phát và lan rộng.
Ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai: Tập trung truyền thông thay đổi nhận thức của người dân

Công tác phòng, chống sốt phát ban dạng sởi được duy trì và tăng cường tại các địa phương trong tỉnh. Chúng tôi đã tổng hợp đối tượng, nhu cầu vaccin, vật tư để tiêm chủng bổ sung cho trẻ 1-5 tuổi tại các huyện trọng điểm. Đặc biệt, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ tham gia cùng Trung tâm y tế các huyện, thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch đồng thời tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế xã. Hiện đã có 5/7 huyện kết thúc ổ dịch. Thực hiện kế hoạch 601 của Bộ Y tế, y tế Lào Cai đã đồng loạt chủ động triển khai các biện pháp cần thiết nhằm huy động đủ số trẻ trong độ tuổi phải tiêm. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở và sự đồng lòng, giúp sức của cán bộ thôn, xã nhưng cũng không tách vai trò của cán bộ y tế trạm. Việc thống kê trẻ trong độ tuổi là rất quan trọng để không bỏ sót cùng với đó là chuẩn bị đủ vaccin, tập huấn cho cán bộ. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu lợi ích của tiêm chủng đem lại.
BS. Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Cần Thơ: Tỷ lệ tiêm ngừa vaccin sởi đạt trên 90%
Ngành y tế Cần Thơ đã tổ chức tiêm vaccin sởi cho gần 2.000 trẻ trên địa bàn. Đến nay, theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt trên 90%. Đợt tiêm chủng lần 1 kết thúc vào ngày 5/3. Mặc dù trước đợt tiêm chủng vaccin sởi, các phương tiện truyền thông đại chúng có đưa tin về một số tai biến xảy ra khiến nhiều người dân dao động. Tuy nhiên, khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa về dịch sởi tại các địa phương khác đã khiến nhiều bà mẹ lo lắng và đưa đi tiêm phòng, do đó tỷ lệ tiêm sởi tại Cần Thơ ổn định. Bên cạnh đó, để triển khai chiến dịch tiêm chủng, ngành y tế Cần Thơ đã tổ chức tập huấn lại cho các cán bộ tiêm chủng, đồng thời tổ chức buổi tọa đàm về an toàn tiêm chủng trên đài truyền hình thành phố, in áp phích, tờ rơi phát cho các bà mẹ. Số trẻ chưa được tiêm sởi đợt này tiếp tục được tiêm vét trong tháng 4 tới.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Cho phép thành lập đội tiêm vaccin sởi lưu động

PV: Ông có thể cho biết vấn đề quan trọng nhất trong đợt tiêm vét sởi lần này? Bộ Y tế có biện pháp gì để vận động các bà mẹ đưa con đi tiêm phòng sởi?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Mục tiêu của Kế hoạch triển khai tiêm vaccin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccin sởi năm 2014 là triển khai thực hiện tiêm chủng vaccin sởi đạt 95% cho các trẻ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccin sởi theo lịch tiêm chủng; đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch theo chỉ định trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2014. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất trong đợt tiêm sởi vét lần này là rà soát các đối tượng không để sót, đã tiêm vét thì không để sót. Để vận động các bà mẹ đưa con trong độ tuổi đi tiêm, ngoài nhân viên y tế phường, xã, nhân viên y tế thôn bản, thì vai trò rất quan trọng và sự tham gia tích cực của các tổ chức ở địa phương như tổ dân phố, hội phụ nữ thôn, xã trong việc điều tra, vận động cha mẹ trẻ ở từng nhà, từng hộ gia đình đảm bảo không bỏ sót trẻ trong độ tuổi cần tiêm bù. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về chiến dịch tiêm bù sởi (lợi ích, lứa tuổi, thời gian, địa điểm...); vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm bù để phòng bệnh sởi cho trẻ và cộng đồng thông qua các hoạt động cộng đồng tại địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng của ngành y tế và cơ quan thông tấn báo chí.
PV: Ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế khó khăn - nơi đó thì tỷ lệ mắc sởi lại cao, làm thế nào để trẻ em ở vùng này được tiêm “vét” sởi đầy đủ?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Trước khi triển khai chiến dịch tiêm vét sởi, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương có dịch đều triển khai tiêm ngừa vaccin sởi và lập kế hoạch cụ thể. Quan trọng nhất là phải đảm bảo không bỏ sót trẻ trong độ tuổi và chưa được tiêm ngừa, dự trù số lượng vaccin sẽ sử dụng. Bên cạnh đó, tập huấn kỹ thuật tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ. Còn đối với các địa phương có bà con ở vùng sâu, vùng xa không thể đến được điểm tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho phép thành lập đội tiêm vaccin sởi lưu động, trong đó, yêu cầu phải tuyệt đối đảm bảo an toàn từ khâu bảo quản vaccin lẫn kỹ thuật tiêm an toàn. Các điểm tiêm chủng cần rà soát các công việc sau mỗi buổi tiêm chủng, kịp thời đưa kế hoạch bổ sung, hoạt động điều chỉnh. Theo kế hoạch, trong đợt tiêm này, toàn quốc dự kiến có khoảng gần 200.000 trẻ sẽ được tiêm vét mũi sởi.
Nguyễn Tuệ (thực hiện)